Nghiên cứu khoa học gắn với thực tế ứng dụng

17:17, 24/05/2014

Hàng ngày trên giảng đường đại học, họ là những sinh viên lịch lãm bên những trang sách, tan học, từng nhóm lại hội tụ và chân lấm, tay bùm trên đồng ruộng, hay cả trong những bãi rác thải... Đó là hình ảnh về những sinh viên có công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu năm học 2013-2014 của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Họ chính là những kỹ sư tương lai là cầu nối đưa ứng dụng khoa học vào cuộc sống.

Một trong những mục tiêu quan trọng mà Nhà trường luôn hướng đến là học tập phải đi đôi với thực hành, nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tế ứng dụng, chính vì vậy, sau giờ học trên lớp, mỗi sinh viên luôn tự ý thức và xây dựng cho mình kế hoạch học tập hiệu quả. Vũ Văn Biển, sinh viên năm thứ 4 khoa Môi trường cùng các bạn Nguyễn Thị Hằng, Hứa Văn Đáo, Vương Văn Ánh đã kết hợp với nhau tạo thành một nhóm học tập rồi định ra kế hoạch làm đề tài nghiên cứu khoa học cho nhóm.

 

Biển nhớ lại: “Ban đầu chúng em nghĩ sẽ làm đề tài về cải tạo môi trường nước thải khu dân cư, rồi phân loại rác thải, thậm chí là cải thiện môi trường ảnh hưởng hiệu ứng nhà kính... Tất cả đều nằm trong giáo trình học hằng ngày và trong các tài liệu của thư viện, nhưng cả nhóm đều chưa biết bắt đầu từ đâu và làm sao phải gắn với thực tế”. Trong một lần vô tình nặn vỏ cam, chất cay bắn vào mắt, nóng ran đỏ má và góc mắt. Cả nhóm chợt nảy ra ý tưởng, có thể đây là một loại dầu có đặc tính nóng tức thì... Nặn tiếp dầu vỏ cam, vỏ bưởi lên miếng xốp thường dùng kê hàng hóa, bỗng miếng xốp biến dạng và co lại nhỏ hơn như có lửa đốt. Các bạn đã gom lại nhiều hơn và tiến hành chưng cất, phân tích các chất có trong dầu vỏ cam, bưởi và cho kết quả không có độc tố gây hại cho sức khỏe.

 

Lập tức một ý tưởng khoa học nghiêm túc được các bạn trình bày với giáo viên của khoa và được chấp thuận với tên gọi: “Xử lý rác thải xốp bằng tinh dầu vỏ cam, quýt”. Sau mỗi buổi tan học cả nhóm lại túa đi các khu vực chợ, bãi rác thải gom vỏ cam, vỏ bưởi, xốp về làm thí nghiệm trong các điều kiện môi trường. Kết quả cứ 15ml tinh dầu bưởi, xử lý 5kg xốp trong thời gian hơn 4 phút, toàn bộ xốp sẽ tan và cô gọn thành dạng keo lỏng, dễ gom, và tiêu hủy. Tương tự, dùng tinh dầu vỏ cam xử lý chỉ mất hơn 3 phút. Thực tế chất thải xốp hiện nay luôn gây ô nhiễm môi trường đất và nước sinh hoạt, không tự tiêu hủy khi chôn vùi trong đất. Cách xử lý xốp thải hiện nay vẫn được áp dụng là dùng hóa chất (Acetone), gây độc hại cho sức khỏe và môi trường. Sau gần một năm thực hiện đề tài, nhóm sinh viên khoa Môi trường khóa 42A này đã được Hội đồng khoa học Nhà trường chấm giải Nhất, tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2014.

 

Còn nhóm các bạn Đỗ Hồng Anh, Đặng Thị Mai Lan, Nguyễn Thị Huê, Trần Phi Vương khoa Chăn nuôi Thú y lại lựa chọn cho mình đề tài đang “nóng”, đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hồng Anh cùng các cộng sự đã đến các điểm bán thịt lợn tại các chợ trong T.P Thái Nguyên để tìm hiểu thực tế và thu thập ngẫu nhiên 50 mẫu thịt lợn tại một số quầy cố định trong nhiều thời điểm khác nhau rồi đem phân tích tại phòng thí nghiệm. Sau khi phát hiện được tỷ lệ nhiễm vi khuẩn từ môi trường lò mổ, điểm bán và tác động môi trường... các bạn đã mang thử nghiệm trên chuột bạch. Kết quả vi khuẩn hoạt động và độc tố tác động vào đường ruột, 100% chuột đều tử vong sau 8-72h. Thực tế các mẫu thịt này đã được cơ quan kiểm dịch đóng dấu cho phép bán tại thị trường, nhưng các vi khuẩn độc (chủng S.aureus) nhiễm và nhân lên trong quá trình bảo quản (bày bán, hấp thu nhiệt từ nắng hè, tay người mua, bán chuyền sang...).

 

Từ kết quả này cả nhóm đã xây dựng đề tài: “Xác định tỷ lệ nhiễm và độc tố đường ruột của vi khuẩn Staphylococcus Aureus trong thịt lợn tại một số chợ của T.P Thái Nguyên”. Với kết quả thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu độc tố khi tác động đến con người, như cải thiện môi trường giết mổ, mua, bán; chủ động vệ sinh môi trường tại các điểm bán thịt; người tiêu dùng nên mua từ lúc thịt còn mới và bảo ôn ở nhiệt độ thấp. Đề tài cũng đã nhận được giải Nhất tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường năm 2014.

 

Trăn trở với việc nâng cao năng suất cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, nhóm sinh viên Nguyễn Thị Tum, Hoàng Văn Hòa, Phạm Văn Luân, Nguyễn Thị Lý, Vũ Quỳnh Mai, Lê Thị Xuân  Khoa Nông học đã tìm đến với những người nông dân, cùng trực tiếp gieo trồng các giống đậu tương ĐT19, ĐT140, ĐT22, ĐT20, ĐVN14 và E085 trong vụ xuân năm 2013 tại xã Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên. Kết quả các bạn đã chứng minh được năng suất đạt từ 18-24,9 tạ/ha, trong khi giống cây địa phương đang trồng là ĐT84 mới chỉ đạt 17 tạ/ha, thời gian sinh trưởng rút ngắn hơn 5-10 ngày. Với kết quả này, nhóm nghiên cứu đề tài cũng đã được nhận giải Nhất của Trường năm 2014.

 

Cùng với các đề tài nghiên cứu khoa học tiêu biểu của sinh viên, năm 2014, Trường đã nhận được 60 đề tài tham dự Hội nghị khoa học của sinh viên, đều được Hội đồng Khoa học Nhà trường đánh giá cao và thông qua tiếp tục bổ sung, nghiên cứu để tham dự báo cáo khoa học cho các năm tiếp theo. Đặc biệt, năm 2014, sinh viên Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã có hai đề tài được thực hiện từ thực tế tại các nước Philippines, Israel và đăng tải trên tạp chí khoa học của nhà trường và nước bạn. Đây chính tín hiệu vui và là động lực thúc đẩy phòng trào học tập và nhiên cứu khoa học gắn với thực tế ứng dụng trong hoạt động đào tạo của Trường trong những năm tới.