Xây dựng mô hình phòng bệnh tai xanh hiệu quả

08:30, 28/05/2014

Hiện nay, Chi cục Thú y đang bắt đầu triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình phòng bệnh tai xanh hiệu quả ở Thái Nguyên”. Theo đó, kinh phí thực hiện Dự án là trên 167 triệu đồng, được trích từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh năm 2014, 2015 và 2016. Dự án này sẽ được thực hiện từ nay đến tháng 6-2016.

Tác nhân gây bệnh tai xanh còn gọi là hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS) là một bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh ở lợn. Đặc trưng của bệnh là hiện tượng sẩy thai ở lợn nái chửa hoặc triệu chứng bệnh đường hô hấp, đặc biệt là ở lợn con cai sữa. Bệnh do một loại vi rút gây ra. Lợn chết thường đi kèm với nhiễm trùng kế phát các tác nhân bệnh khác như dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn… Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, trong vòng 3-5 ngày cả đàn có thể bị nhiễm bệnh. Bệnh có thể kéo dài khoảng 5-20 ngày. Tỷ lệ chết ở đàn con có thể tới 100%... 

 

Ở Thái Nguyên, dịch bệnh nguy hiểm này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2008. Địa phương xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm này là xã Lương Phú (Phú Bình). Tiếp sau đó, dịch bệnh đã lan rộng trên địa bàn huyện Phú Bình, khiến cho 105 tấn lợn, trị giá gần 3 tỷ đồng của 400 hộ dân buộc phải tiêu hủy. Đầu tháng 4 năm 2010, dịch lợn tai xanh lại tiếp tục xuất hiện ở hầu hết 9 huyện, thành phố thị xã trong tỉnh khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi lâm vào cảnh lao đao.

 

Do vậy, việc thực hiện Dự án này sẽ góp phần phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm cho đàn lợn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi trong tỉnh.