Tại sao lại điều khiển máy bay bằng tay và chân trong khi chúng ta có thể làm điều đó bằng bộ não? Các chuyến bay điều khiển bằng ý nghĩ có thể sớm trở thành hiện thực, theo dự án “BrainFlight” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.
Một nhóm nhà khoa học đến từ Viện Động lực học hệ thống bay và Viện Công nghệ Berlin (Đức) tuyên bố, đã chuyển dịch các xung não thành những lệnh điều khiển, giúp các phi công trên một máy bay mô phỏng đạt được một loạt chuyển động có độ chính xác cao, mà không cần phải chạm vào hệ thống nút điều khiển và bàn đạp.
Đội một chiếc mũ có gắn nhiều dây dẫn, các phi công trên thiết bị mô phỏng đã có thể hạ cánh máy bay chỉ đơn giản bằng cách nhìn vào màn hình và dịch chuyển cần điều khiển bằng ý nghĩ của họ, lặp đi lặp lại việc điều chỉnh vị trí máy bay cho tới khi nó đáp xuống.
Để đạt được đột phá trên, nhóm nghiên cứu đã kết nối các điện cực ghi điện não (EEG) vào chiếc mũ chuyên dụng để đo sóng não của viên phi công. Một thuật toán do các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Berlin tạo ra đã giúp một chương trình giải mã các sóng não và biến chúng thành những mệnh lệnh đưa vào hệ thống kiểm soát máy bay.
Một khi đã được hoàn chỉnh, chuyến bay điều khiển bằng bộ não có thể giảm khối lượng công việc cho phi công và gia tăng sự an toàn. Giải phóng đôi tay của các phi công sẽ đem lại cho họ sự tự do chuyển động để thực hiện các nhiệm vụ thủ công khác trong buồng lái.
Nhóm nghiên cứu Đức đã tiến hành thử nghiệm não điều khiển bay, sử dụng 7 người tình nguyện có kinh nghiệm bay khác nhau, bao gồm cả 1 người chưa từng điều khiển máy bay. Kết quả cho thấy, cả 7 người này đều đạt được sự chuẩn xác trong điều khiển máy bay chỉ bằng các ý nghĩ, đủ để đáp ứng một số quy định cấp phép bay.
Đáng ngạc nhiên là, ngay cả những đối tượng ít hoặc không được đào tạo bay cũng hạ cánh máy bay thành công. Một số người thậm chí vẫn tiếp cận được mục tiêu trong điều kiện tầm nhìn kém.
Vì vậy, hãy tưởng tượng các phi công quân sự được đào tạo bài bản có thể làm những gì với công nghệ này.