Được UBND tỉnh cho phép, bắt đầu từ tháng 6 năm nay đến tháng 6-2016, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá, trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam sẽ triển khai dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất than sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp, chất thải rắn hầm biogas và ứng dụng cải tạo đất nâng cao năng suất cây trồng tỉnh Thái Nguyên”. Tổng kinh phí thực hiện Dự án là trên 200 triệu đồng, được trích từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh.
Được biết, công nghệ sản xuất than sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp, chất thải rắn hầm biogas là thành công mới của các nhà khoa học thuộc Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).
Cách sản xuất như sau: Dăm gỗ, mùn cưa, rơm, rạ, trấu, bã mía… được đưa vào lò và nung dưới nhiệt độ trên 500 độ C. Sau một thời gian, các phế phẩm này sẽ tự chuyển hóa thành than sinh học và bà con nông dân có thể dùng làm phân bón ruộng, giúp đất tăng khả năng giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi. Mặt khác, loại than này còn có tác dụng cô lập và nhốt khí CO2 trong đất, giúp làm sạch không khí.
Với diện tích gieo cấy lúa gần 70 nghìn ha/năm, sản lượng lương thực đạt trên 400 nghìn tấn, tương đương sẽ có khoảng 400 nghìn tấn rơm, rạ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một lượng lớn các phụ phẩm từ nông nghiệp khác như mùn cưa, trấu, dăm gỗ, cây ngô… Do đó, Thái Nguyên có nhiều thuận lợi cho việc phát triển loại than sinh học nói trên.