Hầu hết các thiên hà đã biết cho tới nay chỉ có một lỗ đen siêu lớn ở trung tâm. Tuy nhiên, các nhà khoa học vừa phát hiện một thiên hà cực hiếm, sở hữu tới 3 lỗ đen siêu lớn.
Khám phá trên của một nhóm nhà khoa học quốc tế, do tiến sĩ Roger Deane thuộc Đại học Cape Town (Mỹ) đứng đầu, đã được đăng tải trên tạp chí Nature.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 6 hệ thống được cho là chứa 2 lỗ đen siêu lớn. Họ phát hiện, một trong số các hệ thống này - thiên hà SDSS J1502+1115 - cách chúng ta hơn 4 tỉ năm ánh sáng, dung chứa tới 3 lỗ đen "khủng".
Đây là bộ 3 lỗ đen gắn chặt nhau nhất từng được phát hiện ở khoảng cách xa đến như vậy, với 2 trong số chúng quay quanh quỹ đạo của nhau ở khoảng cách 500 năm ánh sáng. Mỗi lỗ đen ước tính có khối lượng gấp từ 1 triệu - 10 tỉ lần khối lượng của Mặt trời.
Tiến sĩ Deane cho biết thêm rằng, ông nhận thấy một điều dị thường là, những lỗ đen này đang quay quanh quỹ đạo của nhau ở mức vận tập gấp 300 lần vận tốc âm thanh trên Trái đất.
Khám phá mới ám chỉ, 3 lỗ đen siêu lớn, ở sát gần nhau có thể phổ biến hơn suy đoán của giới nghiên cứu trước đây. Sự tồn tại của chúng cũng có thể cung cấp cơ hội quan sát thêm về các sóng hấp dẫn.
Giáo sư Matt Jarvis đến từ Khoa Vật lý thuộc Đại học Oxford (Anh), đồng tác giả nghiên cứu, giải thích: "Thuyết tương đối rộng của Einstein dự đoán, các lỗ đen đang sáp nhập là nguồn khởi phát các sóng hấp dẫn. Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi đã có thể quan sát 3 lỗ đen tụ họp sát gần trước khi xoắn vào nhau và sáp nhập. Ý tưởng rằng, chúng ta có thể tìm thấy nhiều nguồn phát tỏa sóng hấp dẫn như thế này nữa rất đáng khích lệ".