Sinh ra ở một vùng quê nghèo của huyện bán sơn địa Ðô Lương, tỉnh Nghệ An, Trần Ðức Lương tốt nghiệp loại giỏi Khoa Sinh vật Trường đại học Vinh rồi anh được chuyển tiếp học lên cao học. Lãnh đạo Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện HLKH và CN Việt Nam nhận Lương ở lại làm cán bộ sau khi anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2012. Những khó khăn ban đầu về đời sống của một chàng trai đi học xa gia đình rồi cũng qua đi, những bỡ ngỡ trong quan hệ giao tiếp ở môi trường mới từng bước được khắc phục bằng sự hòa đồng và miệt mài trong công việc.
Khắc phục khó khăn, đam mê nghiên cứu để tự khẳng định mình trong công việc... là những phẩm chất nổi bật của đội ngũ cán bộ trẻ ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (HLKH và CN) Việt Nam. Trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước đang mở ra các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho lực lượng khoa học trẻ đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Khi còn học chương trình cao học hay làm nghiên cứu sinh, Trần Ðức Lương đã tham gia nghiên cứu với tư cách là thành viên hoặc chủ nhiệm đề tài. Những chuyến đi thực địa dài ngày, vượt đèo cao, rừng thẳm vùng biên giới Việt Nam - Lào ở Quảng Nam, Kon Tum để điều tra, nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh tới đa dạng sinh học; rồi lội bì bõm hàng tuần liền ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cũng như Tràng An (Ninh Bình)... đã giúp anh có thêm nhiều tư liệu trong quá trình triển khai, thực hiện đề tài. Từ năm 2007, cứ đều đều mỗi năm, anh Lương có một, hai công trình được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế. Ðáng chú ý, gần đây anh công bố việc phát hiện "Hai loài giáp xác chân chèo mới ở vùng núi đá vôi ở miền bắc Việt Nam" đăng trên tạp chí của Anh (năm 2012) và "Graeterielle longifurcata, một loài giáp xác mới sống trong hang động ở miền trung Việt Nam" in năm 2013 trên một tạp chí của Mỹ. Năm 2013, Tiến sĩ Trần Ðức Lương đã được lãnh đạo Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật giao làm chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ (KH và CN) độc lập trẻ cấp Viện HLKH và CN Việt Nam. Năm 2014, anh được giao chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu đặc trưng thành phần loài và phân bố của thủy sinh vật, chủ yếu là giáp xác trong các thủy vực hang động núi đá vôi ở Việt Nam" thuộc lĩnh vực Khoa học Sự sống do Quỹ Phát triển KH và CN quốc gia tài trợ kinh phí từ năm 2014 đến 2017.
Chưa có các công bố quốc tế nhưng một nhóm kỹ sư trẻ thuộc Trung tâm Vệ tinh quốc gia (Viện HLKH và CN Việt Nam) đã ghi dấu ấn ở lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Từ năm 2008, dưới sự chủ trì của PGS, TS Phạm Anh Tuấn, nhóm kỹ sư trẻ (tuổi từ 25 đến 30) bắt tay nghiên cứu và chế tạo vệ tinh Pi-cô (Pico). Vượt qua mọi khó khăn như tài liệu chuyên ngành khan hiếm, trang, thiết bị thiếu thốn, lương thấp (ba triệu đồng/người/tháng)..., với niềm đam mê khám phá, sau 5 năm, nhóm cán bộ trẻ do thạc sĩ Trương Xuân Hùng và thạc sĩ Hoàng Thế Huynh làm "thủ lĩnh" đã nghiên cứu và chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon (rồng nhỏ Việt Nam) có trọng lượng 1 kg. Sau nhiều lần căn chỉnh, tích hợp và thử nghiệm ở trong nước cũng như nước ngoài, ngày 4-8-2013, Pico Dragon được tàu vận tải HTV4 của Nhật Bản đưa vào quỹ đạo không gian cùng với hai vệ tinh siêu nhỏ khác của Mỹ. Hơn ba tháng được lưu giữ trên trạm ISS, vào lúc 19 giờ 17 phút ngày 19-11-2013 (giờ Việt Nam) Pico Dragon được đẩy ra quỹ đạo không gian. Chỉ gần bốn giờ sau, một loạt các trạm mặt đất của Nhật Bản, Ác-hen-ti-na và Viện HLKH và CN Việt Nam đều nhận được tín hiệu từ vệ tinh Pico Dragon. Cũng chính vì thế mà vệ tinh Pico Dragon được Câu lạc bộ Nhà báo KH và CN Việt Nam bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học tiêu biểu năm 2013. Từ thành công của vệ tinh siêu nhỏ này, các cán bộ khoa học trẻ của Trung tâm Vệ tinh quốc gia đang chuẩn bị nguồn lực để triển khai các dự án quy mô và có hàm lượng KH và CN cao hơn như nghiên cứu, chế tạo vệ tinh Nano trọng lượng 10kg vào năm 2016, hay vệ tinh Micro, nặng 50kg vào năm 2018...
Ðến nay, Viện HLKH và CN Việt Nam có hơn 30 viện và trung tâm nghiên cứu (chưa kể một số đơn vị hành chính sự nghiệp khác) với hơn bốn nghìn cán bộ, viên chức (hơn 2.500 người trong biên chế), trong đó có 220 giáo sư và phó giáo sư, 714 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ, hơn 780 thạc sĩ... Kể cả chuyển tiếp và mở mới, hằng năm, Viện HLKH và CN Việt Nam triển khai thực hiện hơn 400 đề tài các cấp. Là trung tâm KH và CN hàng đầu cả nước, lại có thế mạnh về nghiên cứu cơ bản cho nên mỗi năm, Viện HLKH và CN Việt Nam đóng góp hơn 40% trong tổng số bài báo khoa học được công bố trong nước và quốc tế của cả nước. Ðáng chú ý năm 2013, Viện có 450 công trình được xuất bản trên các tạp chí quốc tế, đạt tiêu chuẩn ISI; 13 bằng phát minh sáng chế được công nhận...
Tuy nhiên, có thể nói các kết quả nghiên cứu KH và CN cũng như việc thương mại hóa các sản phẩm tạo ra chưa tương xứng với tiềm năng đội ngũ có trình độ chất lượng cao của Viện. Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra trong hội nghị tổng kết cuối năm gần đây là một bộ phận nhà khoa học ở đây thiếu tính chủ động và chuyên tâm trong công việc dẫn đến hiện tượng hiếm có những kết quả nghiên cứu KH và CN mang giá trị thực tiễn cao, có sức tác động và lan tỏa đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
PGS, TS Phan Văn Kiệm, Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Viện HLKH và CN Việt Nam cho biết: Hằng năm, đơn vị có khoảng 80 đến 100 cán bộ đến tuổi nghỉ hưu, trong đó phần lớn là những người có chức danh khoa học. Song, việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp về công tác còn gặp nhiều khó khăn (lý do chính vẫn là lương bổng, thu nhập thấp). Nhà nước đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Viện HLKH và CN Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 và đang triển khai Ðề án thành lập từ bảy đến 10 trung tâm tiên tiến giai đoạn 2013 - 2016 trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và các chuyên ngành có thế mạnh. Bởi vậy, cùng với một loạt giải pháp, Viện đã và đang triển khai, thực hiện Ðề án "Chương trình hỗ trợ cán bộ khoa học trẻ của Viện HLKH và CN Việt Nam". Theo PGS, TS Phan Ngọc Minh, Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính của Viện, chương trình này bao gồm bốn nội dung: Hỗ trợ về kinh phí để cán bộ khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) công tác tại Viện HLKH và CN Việt Nam đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ; hằng năm dành một số đề tài KH và CN độc lập trẻ cấp Viện, tạo điều kiện về chỗ ở và trang, thiết bị thực nghiệm; đồng thời có chính sách thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc ở nơi khác về làm việc tại Viện. Ðến nay, sau hơn hai năm triển khai và thực hiện, Viện HLKH và CN Việt Nam đã ban hành Quy định quản lý các đề tài KH và CN độc lập cấp Viện hàn lâm dành cho cán bộ trẻ cũng như quy định việc hỗ trợ kinh phí hoạt động KH và CN cho các đối tượng này...
Thống kê chưa đầy đủ, năm 2013 và 2014, tùy thực lực, mỗi viện chuyên ngành và trung tâm nghiên cứu được Chủ tịch Viện HLKH và CN Việt Nam phê duyệt từ hai đến năm người làm chủ nhiệm đề tài KH và CN độc lập trẻ cấp Viện hàn lâm. Ngoài ra, các cán bộ trẻ tại các Viện chuyên ngành tham gia nghiên cứu theo nhóm thuộc đề tài các cấp, đề tài NAFOSTED hay đề tài theo Nghị định thư với nước ngoài. Hiện tại, chưa có đánh giá chính thức nhưng bước đầu đã có hàng trăm bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành (trong đó có hơn 50 bài được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín) thuộc các lĩnh vực toán học, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, sinh thái và tài nguyên sinh vật... Hy vọng với việc tiếp tục hoàn thiện chính sách của Nhà nước, sự nỗ lực vượt khó và đam mê nghiên cứu sáng tạo, đội ngũ cán bộ khoa học trẻ sẽ trưởng thành và đảm nhiệm vai trò nòng cốt của Viện HLKH và CN Việt Nam trong thời gian tới, hiện thực hóa các Chương trình KH và CN trọng điểm do Nhà nước giao phó.