Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhận định viễn thông tỉnh đang là "điểm khó khăn nhất, gánh nặng nhất" của VNPT tại thời điểm này, do đó, tái cơ cấu mô hình của viễn thông tỉnh sẽ là một nội dung trọng tâm của quá trình tái cơ cấu Tập đoàn.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) sáng 25/7, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, nếu không xem xét đúng mức việc tái cơ cấu các viễn thông tỉnh thì sẽ không thể tái cơ cấu VNPT thành công.
Có thể nói, viễn thông tỉnh là một bộ phận hết sức quan trọng đối với VNPT nhưng do vấn đề "lịch sử" mà khối này đang tồn tại nhiều bất cập trong mô hình hoạt động. Cụ thể, yếu tố kinh doanh và kỹ thuật bị chồng lẫn vào nhau, không được tách bạch rõ ràng khiến cho hiệu quả hoạt động không cao, phản ứng trước các thay đổi của thị trường thiếu sự nhanh nhạy, linh hoạt. Điều này thể hiện ở kết quả kinh doanh khi năm 2013, toàn Tập đoàn chỉ có 17 viễn thông tỉnh có lợi nhuận dương mà thôi.
"Quản lý kinh doanh và quản lý kỹ thuật có đặc thù khác nhau nên cần phải được tách bạch, phân biệt, từ đó mới hoạt động chuyên biệt, chuyên nghiệp và đạt hiệu quả cao được", Bộ trưởng khẳng định. Một điểm đáng ghi nhận là những thay đổi của VNPT trong thời gian qua đã bước đầu đạt được kết quả. 61/69 đơn vị đã có chênh lệch thu chi dương, đặc biệt đã có 34 viễn thông tỉnh có lợi nhuận trong nửa đầu năm 2014, tăng gấp đôi so với cuối năm 2013. "Đây là một sự vượt bậc đáng kể, nhờ sự điều hành đều tay và chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ phía Hội đồng thành viên cũng như Ban giám đốc Tập đoàn", vị Tổng tư lệnh ngành khen ngợi.
Trước đó, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2014, tổng doanh thu VNPT đạt 57.758 tỷ đồng, bằng 47.8% kế hoạch và bằng 106.8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận đạt 5182 tỷ đồng, bằng 52,3% kế hoạch năm và đạt 118,3% so với năm ngoái. Trong đó, Công ty mẹ đạt 38.524 tỷ đồng doanh thu, VMS đạt 17.277 tỷ đồng.
Cần quyết liệt tái cơ cấu
Đánh giá những kết quả trên là "đáng phấn khởi" nhưng Bộ trưởng thẳng thắn bày tỏ rằng, so với các đơn vị kinh doanh cùng ngành như Viettel thì các chỉ số tài chính của VNPT vẫn còn "khiêm tốn", chưa tương xứng với tiềm năng của Tập đoàn. Tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu và lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đều chưa cao, thể hiện ở việc doanh thu bằng 70-80% Viettel nhưng lợi nhuận lại chỉ tương đương 30% so với nhà mạng này.
Nhiều hạn chế khác của VNPT cũng đã được Bộ trưởng chỉ ra, như chi phí, đặc biệt là chi phí khấu hao cao, đầu tư còn dàn trải, chưa hiệu quả; khâu tuyển dụng còn nhiều hạn chế, bất cập, vượt quá nhu cầu nhân sự thực tế; mô hình sản xuất, tổ chức kinh doanh còn nặng về bao cấp ở một số bộ phận, chồng chéo, tính chuyên biệt chưa cao....
Tuy nhiên, tái cơ cấu cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho Tập đoàn, tạo ra một bộ máy gọn nhẹ, linh hoạt hơn, quản trị hiệu quả hơn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong điều kiện VNPT được tái cơ cấu theo đúng đề án do Tập đoàn và Bộ TT&TT đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ.
Việc Chính phủ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, đặc biệt là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích thuê dịch vụ CNTT mới đây chắc chắn sẽ tạo ra những cơ hội lớn để Tập đoàn phát triển. "VNPT là một Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực CNTT - Viễn thông nên không chỉ lấy nguồn thu từ viễn thông mà còn phải biến dịch vụ CNTT thành một kênh doanh thu chủ lực mới", Bộ trưởng chỉ đạo.
Liên quan đến vấn đề ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng "những gì không hợp lý sẽ phải bỏ đi, thay đổi. Sẽ có những bộ phận, con người dịch chuyển. Nhiệm vụ cũng dịch chuyển, kéo theo là trách nhiệm, lợi ích. Tuy nhiên, các cán bộ, nhân viên Tập đoàn cần nhìn nhận tổng thể, từ góc độ lợi ích chung của Tập đoàn để sẵn sàng vào cuộc, chia sẻ với Tập đoàn". Đồng thời, Ban giám đốc sẽ phải có phương án đối với các lao động dôi dư, cũng như chuẩn bị tài chính để thực hiện.
Trong thời gian tới, VNPT sẽ phải khẩn trương xây dựng đề án thành lập 3 Tổng công ty mới theo Quyết định số 888 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng điều lệ hoạt động mới cho Tập đoàn theo hướng xây dựng những cơ chế đặc thù như phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc thù về tiền lương; xây dựng phương án kinh doanh hai vệ tinh VINASAT 1, 2; sắp xếp lại công ty TNHH MTV Tài chính Bưu điện....