Thuê bao truyền hình trả tiền phải đăng ký thông tin?

08:24, 24/09/2014

Dự thảo lần 2 của Nghị định Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Phát thanh Truyền hình nêu rõ, khi ký hợp đồng sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, các thuê bao sẽ phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin với nhà cung cấp dịch vụ tương tự như cách thức các thuê bao di động đang phải khai báo thông tin với nhà mạng hiện nay.

Cụ thể, điều 23 trong Nghị định quy định rõ, các thuê bao cá nhân sẽ phải kê khai họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMT, ngày cấp, nơi cấp hoặc hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực. Tương tự, các thuê bao tổ chức sẽ phải cung cấp tên tổ chức, địa chỉ hoạt động, số & ngày quyết định thành lập, ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức; họ tên, ngày tháng năm sinh, số, ngày cấp, nơi cấp Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu của người đứng tên ký hợp đồng sử dụng dịch vụ.
truyền hình, viễn thông, thuê bao, trả tiền, đăng ký


Sau khi nhận được những thông tin này, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ phải xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu để thu thập, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao theo đúng Quy định của Bộ TT&TT, cũng như cung cấp thông tin thuê bao và phương tiện truy xuất cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Những thông tin mà các thuê bao đăng ký sẽ chỉ được sử dụng để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phục vụ công tác quản lý nhà nước về truyền hình trả tiền, phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ và cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền của các đơn vị cung cấp dịch vụ này mà thôi.

Quan điểm của Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, đơn vị trực tiếp soạn thảo Dự thảo Nghị định là bản chất truyền hình trả tiền là dịch vụ viễn thông nên cần phải quy chiếu sang Nghị định 25 về quản lý viễn thông. Do đó, cũng giống như thuê bao di động hiện nay được yêu cầu phải đăng ký thông tin cho nhà mạng, các thuê bao truyền hình trả tiền cũng cần phải đăng ký thông tin cho đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

Tuy nhiên, đa số các ý kiến góp ý tại cuộc họp lần 2 của Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định (chiều 23/9) đều cho rằng quy định này có phần hơi "chặt" và không cần phải quản lý thuê bao truyền hình giống như thuê bao di động. Đại diện Vụ Pháp chế đề nghị ban soạn thảo xem lại quy định này vì "bản chất thuê bao truyền hình trả tiền không giống với thuê bao viễn thông", chưa có các hiện tượng tin nhắn rác, SIM rác, tin nhắn lừa đảo, quảng cáo... tràn lan để buộc cơ quan quản lý phải kiểm soát thông tin thuê bao.

Đồng quan điểm, đại diện Cục Viễn thông cũng nêu câu hỏi về việc có cần thiết Nghị định phải quản chặt thuê bao truyền hình trả tiền như vậy hay không, và nếu câu trả lời là có thì sở cứ là gì? "Ban soạn thảo đưa ra quy định nhưng chưa nêu được thực tế hiện nay ra sao? Thực trạng thế nào? Khâu quản lý đang có gì bất cấp? Nếu không giải thích được vì sao lại quản chặt như vậy thì khó thuyết phục được xã hội".

Tiếp thu các đóng góp này, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử thừa nhận ban soạn thảo chưa tính đến đặc thù của các loại hình dịch vụ viễn thông và truyền hình trả tiền khi xây dựng các quy định về quản lý người dùng. Tuy nhiên ông khẳng định Cục sẽ nghiên cứu lại các quy định này theo hướng "cần quản lý thì mới đưa ra" tại dự thảo lần 3 của Nghị định.