Động vật hoang dã chỉ còn một nửa so với 40 năm trước

08:56, 03/10/2014

Số lượng quần thể các loài cá, chim, động vật có vú, lưỡng cư và bò sát đã giảm 52% trong vòng 40 năm qua được xem là sự sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay.    

Kết quả trên đưa ra trong báo cáo Hành tinh sống 2014 do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) dựa trên tình trạng của hơn 10.000 loài động vật có xương sống từ từ năm 1970 đến 2010. Trong đó, châu Mỹ La Tinh là khu vực có sự suy giảm động vật hoang dã nặng nề nhất, chiếm tới 83% so với khu vực khác. Đứng thứ hai là khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

 

Theo báo cáo, các loài nước ngọt đang phải đối mặt với những ảnh hưởng khắc nghiệt nhất khi sự suy giảm trung bình lên tới 76%; sinh vật biển giảm 39%; còn các loài trên cạn cũng giảm 39%.

 

Sự suy giảm nghiêm trọng của quần thể các loài hoang dã cho thấy sự gia tăng dân số trên toàn cầu đang đè nặng lên nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 

Báo cáo Hành tinh sống 2014 cũng cho thấy "Dấu chân sinh thái", chỉ số về nhu cầu của con người đối với thiên nhiên, tiếp tục tăng cao. Trong khi đa dạng sinh học suy giảm, dân số và tỷ lệ tiêu thụ trên đầu người tại các quốc gia lại gia tăng khiến Dấu chân sinh thái vì thế cũng tăng.

 

Trên thế giới, nhu cầu của con người vượt quá 50% khả năng thiên nhiên có thể tái tạo, điều đó có nghĩa là con người sẽ cần 1,5 trái đất để sản xuất ra các nguồn nguyên liệu cần thiết nhằm đáp ứng các dịch vụ sinh thái mà con người sử dụng mỗi năm.

 

Dấu chân sinh thái trung bình của một người dân Việt Nam chưa quá cao so với các nước phát triển, nhưng đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, và dự báo sẽ tiếp tục tăng nếu không có giải pháp thích hợp

 

Các chuyên gia cho rằng, sự vượt quá giới hạn trên có thể do con người chặt cây với tốc độ nhanh hơn tốc độ trưởng thành của chúng, khai thác cá nhiều hơn những gì đại dương có thể bổ sung lại, và thải ra lượng carbon nhiều hơn khả năng hấp thụ của rừng và đại dương. Hệ quả là sự thu nhỏ nguồn tài nguyên thiên nhiên, tích lũy rác thải nhanh hơn tốc độ chúng được hấp thụ hoặc tái chế, và lượng carbon tích tụ trong không khí ngày càng lớn.

 

"Thiên nhiên mang những yếu tố sống còn, đồng thời cũng là nền tảng cho sự thịnh vượng của loài người. Quan trọng hơn, đó là nơi tất cả chúng ta chung sống. Chúng ta đều cần thức ăn, nước uống và không khí sạch dù ở nơi bất cứ nào trên thế giới. Vì vậy việc tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ thiên nhiên là điều vô cùng cần thiết", Tổng giám đốc WWF Quốc tế, ông Marco Lambertini, nói.