Trong 6 đề tài, dự án được trao giải cao và chọn tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh (HS) phổ thông năm học 2014-2015 cấp Quốc gia thì ngoài đơn vị có truyền thống tham gia và đoạt nhiều giải cao trong các năm vừa qua là Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, xuất hiện một số dự án của các trường THCS ở cấp huyện. Các đề tài này đã thể hiện sự sáng tạo trong việc tìm kiếm ý tưởng khoa học mới lạ, độc đáo và trí tuệ của các em HS.
Từ căn bệnh xương khớp của mẹ, Nguyễn Thu Hoài, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Thanh Định,
huyện Định Hóa đã nảy ra ý tưởng và thực hiện thành công Đề tài
“Cải tiến xe đạp cũ thành máy tập thể dục liên hoàn”.
Đề tài được trao giải Nhất toàn cuộc được các giáo viên, chuyên gia đánh giá cao về khả năng ứng dụng vào thực tế, đó là “Điều chế son môi an toàn từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên” thuộc lĩnh vực Hóa - Sinh. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết nhóm nghiên cứu đề tài này lại không phải là HS chuyên Sinh, Hóa. Trưởng nhóm nghiên cứu là em Tạ Hồng Ngọc, lớp 11 chuyên tiếng Trung; em Dương Hoàng Mỹ Anh, lớp 11 chuyên Toán là người cùng tham gia.
Trao đổi với chúng tôi, Hồng Ngọc cho biết: “Em và Dương Hoàng Mỹ Anh là bạn thân của nhau. Khi Nhà trường phát động HS đăng ký nghiên cứu đề tài khoa học, em nghĩ ra ý tưởng này và rủ bạn Mỹ Anh cùng làm. Qua tìm hiểu em nhận thấy, các loại son môi bán trên thị trường cơ bản đều có hàm lượng chì, tuy trong điều kiện cho phép, nhưng nếu phụ nữ dùng lâu sẽ khiến môi bị thâm. Một điều nguy hiểm của son môi đó là người dùng sẽ hấp thụ chì vào cơ thể qua việc ăn uống. Khi vào cơ thể, chì không đào thải ra ngoài được mà tích tụ lại gây nhiễm độc. Do đó, việc sử dụng son môi thường xuyên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ. Vì vậy, khi nghiên cứu để điều chế son môi, nhóm của em đã chọn những nguyên liệu thiên nhiên tạo màu thực phẩm, làm ra một sản phẩm mới an toàn và thân thiện với người sử dụng.
Được biết, Hồng Ngọc và Mỹ Anh đã chọn những loại hoa quả sẵn có như thanh long đỏ, cà chua… nghiên cứu cách điều chế, lấy màu của quả, loại bỏ các thành phần khác để tạo thành màu son. Nhóm đã nghiên cứu thành công công thức, cách pha trộn, kết hợp với các thành phần làm phôi son để tạo nên sự hợp lý về màu sắc, độ tan trong dung dịch, độ mềm, mịn, bền, đẹp của sản phẩm. Ngoài hai loại quả chính là thanh long đỏ và cà chua, nhóm đã sử dụng các nguyên liệu tạo phôi gồm: sáp ong, dầu dừa, dầu ôliu, bơ, cacao. Sau khi trộn thật kỹ phần màu son vào hỗn hợp các loại tinh dầu, nhóm tiến hành đun chảy nóng sáp ong, bơ cacao… rồi trộn hỗn hợp màu và tinh dầu vào, sau đó đổ vào khuôn son, chỉ 15 phút sau sẽ có được sản phẩm. Theo Ngọc: Nếu gia giảm tỷ lệ các loại tinh dầu và sáp ong thì sẽ có được những sản phẩm khác nhau như son nước… Những gì chúng em làm được đều từ kiến thức đã học ở nhà trường nhất là bộ môn Hóa học, Sinh học và tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia”.
Mỹ Anh cho biết thêm: Chi phí mua nguyên liệu (hoa quả, sáp ong và một số loại dầu) không quá lớn, thời gian tạo nên sản phẩm không quá dài và các công đoạn không quá phức tạp, nhưng lại đạt được hiệu quả cao. Đối với một người sản xuất, nếu sản phẩm này được đưa ra thị trường, không cần bán với giá cao cũng có thế mang lại lợi nhuận. Sản phẩm này phù hợp với nhiều lứa tuổi. Tính khả thi của đề tài: Sản phẩm hạn chế được một cách tối đa lượng hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất mỹ phẩm; các chế phẩm thiên nhiên không chỉ an toàn với sức khỏe người tiêu dùng mà còn có những lợi ích tốt trong việc chăm sóc sắc đẹp.
Đề tài thứ hai cũng được đánh giá cao là đề tài “Cải tiến xe đạp cũ thành máy tập thể dục liên hoàn” của nhóm HS Nguyễn Thu Hoài lớp 8A1, Nguyễn Thị Thanh Huyền lớp 8A2, Trường THCS Thanh Định (Định Hóa). Trao đổi với Hoài và Huyền, chúng tôi được biết ý tưởng Đề tài được hình thành khi 1 năm trở lại đây mẹ Hoài bị bệnh xương khớp, cộng thêm mỡ máu cao. Các bác sĩ khuyên mẹ Hoài nên tập thể dục đều đặn. Hằng ngày, mẹ Hoài dậy sớm để đạp xe quanh làng, nhưng những hôm trời mưa không đi được, Hoài đã chống xe đạp của mình lên giữ cho mẹ ngồi đạp trong nhà. Tuy nhiên, cũng chỉ thực hiện được vài lần thì chân chống xe bị gãy. Khi Hoài xem quảng cáo trên tivi thấy có máy tập thể dục trong nhà cấu tạo khá giống bộ phận của xe đạp. Và em nghĩ có thể cải tạo chiếc xe đạp cũ của mình thành máy tập thể dục cho mẹ. Sau khi trao đổi với bố và Huyền, mọi người đều hưởng ứng, Hoài và Huyền đã thiết kế bản vẽ chiếc máy tập với sự hỗ trợ của thầy Nguyễn Văn Hồng, giáo viên môn Thể dục của Trường. Trao đổi cùng chúng tôi, thầy Hồng cho biết: “Thấy các em rất hứng thú với Đề tài này, tôi có định hướng cho các em. Cái hay của chiếc máy tập thể dục này là tận dụng được khung và một số bộ phận của chiếc xe đạp cũ hoặc đã hỏng để chế tạo thành máy tập thể dục. Có thể tranh thủ thời gian tập luyện bất cứ khi nào rảnh rỗi. Máy tập nhẹ nhàng, dễ sử dụng, tiện lợi”. Chiếc máy này phù hợp cho rèn luyện sức khỏe với mọi người trong gia đình từ các em nhỏ từ 6, 7 tuổi đến các cụ 60-70. Đề tài đã được Ban Tổ chức Cuộc thi KHKT dành cho HS phổ thông trao giải Nhì toàn cuộc.
Đây là năm thứ 2 Sở GD & ĐT tổ chức Cuộc thi KHKT đại trà trong toàn tỉnh dành cho HS phổ thông. Cuộc thi là sân chơi bổ ích, trí tuệ cho các em HS thông qua việc tìm kiếm những ý tưởng khoa học mới lạ, độc đáo, góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong HS. Năm thứ 2 tổ chức cuộc thi cho thấy số lượng và chất lượng đề tài được nâng lên. Năm nay có 105 dự án tham gia, trong đó có 9 dự án của cá nhân và 96 dự án của tập thể, tăng 40 dự án so với cuộc thi năm trước. Tại cuộc thi lần này, ngoài những đơn vị có truyền thống và kinh nghiệm trong hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học như các Trường: THPT Chuyên Thái Nguyên, THPT Lương Ngọc Quyến… còn có những đơn vị mới tham gia, như các trường THPT Dân lập Đào Duy Từ; THCS Thanh Định (Định Hóa), THCS Bình Sơn (T.X Sông Công)...
Thực tế kết quả nghiên cứu của 2 đề tài trên cho thấy nếu các nhà trường quan tâm, chỉ đạo bài bản thì công tác nghiên cứu khoa học trong HS sẽ thực sự có chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.