Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn gặp khó

21:15, 31/01/2015

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trước vẫn còn gặp khó khăn, chưa tiếp cận được với Chương trình 592 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình 592 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 592/QÐ-TTg ngày 22-5-2012 nhằm hỗ trợ hoàn thành mục tiêu hình thành và phát triển 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH và CN) vào năm 2020, cùng với 100 cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ. Ðối tượng hỗ trợ chỉ tập trung vào các tổ chức KH và CN công lập chuyển sang cơ chế tự chủ và các doanh nghiệp KH và CN.

 

Chương trình 592 ra đời nhằm khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp KH và CN; huy động các nguồn lực xã hội để phát triển doanh nghiệp KH và CN; đẩy mạnh sắp xếp, hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức KH và CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước ngày 31-12-2013. Ngoài ra, mục tiêu lâu dài của chương trình là hỗ trợ phát triển hệ thống doanh nghiệp KH và CN cho đất nước. Mặc dù đã được ban hành cách đây hơn hai năm, nhưng phải đến tháng 10-2014, Chương trình 592 mới được Bộ KH và CN triển khai.

 

Theo TS Trần Ðắc Hiến, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ KH và CN), Chủ nhiệm Chương trình 592, một trong những nguyên nhân chậm triển khai là vướng mắc về cơ chế chính sách trong thực hiện; việc phối hợp xây dựng thông tư hướng dẫn còn chậm tiến độ. Bên cạnh đó, Luật KH và CN bắt đầu có hiệu lực thi hành vào 1-1-2014, có một số điểm trong các Thông tư ban hành trước đó không phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung. Ðến ngày 23-4-2014, Bộ Tài chính và Bộ KH và CN mới ban hành được Thông tư liên tịch số 49/2014/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn quản lý tài chính của Chương trình 592. Ðây là văn bản có ý nghĩa quyết định để triển khai chương trình, trong đó quy định nội dung và định mức chi hỗ trợ các dự án. Ðến ngày 16-6-2014, Bộ KH và CN mới ban hành Thông tư số 17/2014/TT-BKHCN để thống nhất quản lý các hoạt động KH và CN theo Luật KH và CN. Do đó, dù Chương trình 592 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5-2012, nhưng phải đến ngày 23-4-2014 mới xây dựng hoàn tất các thông tư hướng dẫn và văn bản để triển khai.

 

Ðáng chú ý, bên cạnh việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý thì chính các tổ chức, doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ, nên việc tiếp cận Chương trình 592 còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hồ sơ đề tài, dự án đăng ký nhưng không đủ điều kiện xét duyệt. Nguyên nhân do các đơn vị không chủ động nghiên cứu kỹ văn bản, các cơ quan quản lý tại địa phương chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến các đề xuất chỉ mang tính "đối phó", không bám sát các mục tiêu, nội dung hỗ trợ, không đúng nhiệm vụ.

 

Ðến nay, Ban chủ nhiệm Chương trình 592 phối hợp các đơn vị mới chỉ lựa chọn được gần mười nhiệm vụ để xem xét, đề nghị Hội đồng xét duyệt. Con số ít ỏi đó cho thấy, các tổ chức, doanh nghiệp vẫn chưa thật sự hiểu đúng nội dung chương trình, còn lúng túng trong việc tiếp cận.

 

TS Trần Ðắc Hiến cho biết, bất cứ chương trình nào muốn triển khai hiệu quả cũng cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan. Mặc dù quy định thời gian thực hiện Chương trình 592 từ năm 2012 đến 2015, nhưng tiến độ triển khai bị chậm, hiện mới là bước khởi động. Từ nay đến cuối năm 2015, Bộ KH và CN sẽ đẩy nhanh tiến độ, tổ chức đánh giá sơ bộ những kết quả đạt được, đề xuất Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian tiếp tục thực hiện chương trình. Ðối với các cơ quan quản lý KH và CN của các bộ, ngành địa phương chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện để các dự án (nếu được phê duyệt) triển khai thuận lợi. Chủ động hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp trong việc tiếp cận Chương trình, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan của Bộ KH và CN, Ban chủ nhiệm Chương trình 592 cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, có kế hoạch kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các đề tài, dự án đã được phê duyệt.