Sự bùng nổ về công nghệ thông tin (CNTT) và “nở rộ” của các ứng dụng phần mềm đang giúp không ít doanh nghiệp giảm chi phí nhất là khi sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Người dân vì vậy có thêm cơ hội hưởng lợi từ những dịch vụ có sử dụng hệ thống phần mềm tiện ích.
Tăng năng suất, tiết kiệm thời gian cho DN
Để nâng cao hiệu suất lao động cũng như tiết giảm thời gian, chi phí; kiểm soát nhân viên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đã nâng cấp, đầu tư các giải pháp, hệ thống phần mềm mới.
Ông Nguyễn An Quốc, Giám đốc Kinh doanh văn phòng đại diện Việt Nam của Mondelez International- Tập đoàn kinh doanh các sản phẩm bánh kẹo nói: “Trước đây, việc quản lý sổ sách bán hàng, xử lý đơn hàng tại cửa hàng, trên thị trường cũng như quản lý hệ thống của nhà phân phối cũng đã được thực hiện qua máy tính nhưng chỉ là phần mềm offline (không trực tuyến) nên hiệu quả không cao”.
Tuy nhiên khi nhà phân phối Mondelez International đã đầu tư hệ thống giải pháp bán hàng qua thiết bị di động có kết nối mạng 3G có tên DMS.One của Viettel - hoạt động dựa trên nền tảng điện toán đám mây đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và thời gian. Trước đây, các nhân viên đều phải thao tác công việc trên giấy tờ thì nay sử dụng hệ thống máy tính bảng, nhập dữ liệu trực tiếp vào hệ thống bằng 3G. Trung bình mỗi nhân viên trước đây chỉ bán hàng được khoảng 4 giờ trên thị trường thì nay có thể bán được 5 giờ. Thời gian lao động tăng 20%, năng suất lao động tăng 10% và kết quả kinh doanh của nhân viên cũng tăng 10% so với trước.
Cũng nhờ công nghệ này mà nhà phân phối có được thể quản lý kết quả kinh doanh cũng như các chỉ số kinh doanh như hàng tồn kho, doanh thu, công nợ trên thị trường rất chính xác theo thời gian thực. Bất cứ lúc nào, các cấp từ nhân viên đến lãnh đạo đều có thể biết được kết quả kinh doanh ngay trong ngày của toàn công ty trên toàn quốc.
Còn ông Đặng Mạnh Phổ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay: Hệ thống văn phòng điện tử Office.One đang được 18.000 cán bộ nhân viên của ngân hàng sử dụng, có thể tiết kiệm được khoảng 24 tỷ đồng/năm, trong khi chi phí đầu tư phần mềm chỉ có 11 tỷ đồng.
Theo BIDV, các công việc văn phòng, hành chính, quản trị của ngân hàng từ chỗ sử dụng văn bản giấy hiện đã chuyển sang văn bản điện tử. “Trong 1 thời gian khá dài trước đây, chúng tôi phải trình cấp trên phê duyệt, chỉ đạo rất nhiều vấn đề và nếu lãnh đạo đi công tác thì chỉ còn cách phải chờ đợi. Giờ đây, với giải pháp Office.One, lãnh đạo dù đi vắng vẫn có thể xử lý công việc hàng ngày qua máy tính bảng, máy tính xách tay, điện thoại di động”, ông Đặng Mạnh Phổ chia sẻ.
Khách hàng được hưởng lợi
Với chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng kết nối internet mọi lúc mọi nơi, người dân hiện nay có thể mua bán trực tuyến cũng như được thụ hưởng những dịch vụ công nghệ hiện đại mà không phải mất nhiều thời gian.
Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Trung tâm Viettel ICT, Viettel đang hợp tác với ngành điện để triển khai giải pháp thu thập dữ liệu công tơ điện tử dựa trên hạ tầng viễn thông. Với công nghệ mới, ngành điện lực sẽ cho phép khách hàng có thể nhắn tin SMS để biết mình đã sử dụng bao nhiêu số điện. Theo đó, sau khi cài đặt phần mềm trên điện thoại thông minh, khách hàng sẽ được thông báo sản lượng đột biến, thanh toán qua di động, điện năng tiêu thụ hàng tháng. Các thông tin này được cung cấp từ kho dữ liệu của EVN Hà Nội và sẽ được Viettel bảo mật theo các yêu cầu kết nối dữ liệu.
Mỗi lần Tết đến, nạn “cò” vé tàu, cách bán vé nặng cơ chế “xin, cho” đã khiến không ít người dân bức xúc về ngành đường sắt. Tuy nhiên, dự án bán vé online mới được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tập đoàn FPT đưa vào triển khai đã có những hiệu quả ban đầu khi công bố đã bán được 250.000 vé tàu Tết tới tay người dân. Đầu tháng 12/2014, 3 trang web của ngành đường sắt Việt Nam gồm www.dsvn.vn, www.vetau.com.vn, www.vietnamrailway.vn đồng loạt mở mạng để khách hàng vào đặt chỗ, mua vé tàu Tết 2015.
Theo FPT, hiện đã có khoảng 12.000 người trong danh sách hàng đợi đã được phục vụ mua vé Tết thông qua hình thức nhận email hoặc tin nhắn từ hệ thống (tùy theo nhu cầu của từng khách hàng đăng ký). Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc FPT IS cho biết: Năm 2015, người dân sẽ có thêm hình thức thanh toán mới là qua di động hoặc bán vé tự động tại ga.
Công nghệ nhà thông minh đã bắt đầu trở nên phổ biến trong các công trình hiện đại tại Việt Nam. Tháng 12/2014, Công ty Bkav đã ký hợp tác đưa giải pháp Nhà thông minh Bkav SmartHome vào khu đô thị cao cấp Ecopark (Hà Nội), Vinhomes Central Park (TP. Hồ Chí Minh), showroom tại khu vực Tây Nguyên (TP. Kon Tum). Trước đó, hàng loạt khu đô thị cao cấp như Phú Mỹ Hưng, Royal City, Times City… cũng đã có sự hiện diện của Nhà thông minh. SmartHome đang được nhắc đến nhiều tại Việt Nam với khái niệm về một ngôi nhà thông minh tích hợp mạng truyền thông kết nối các thiết bị, dịch vụ điện gia dụng (như hệ thống đèn, rèm cửa, camera an ninh, khóa cửa, điều hòa, bình nóng lạnh, tivi…), cho phép chủ nhân ngôi nhà có thể giám sát hoặc truy cập từ xa.