Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành nước có sản lượng cà phê xuất khẩu xếp hàng thứ hai trên thế giới và đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê vối. Có được kết quả trên là nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ trong phát triển ngành cà phê Việt Nam mà vai trò quan trọng của Viện Khoa học kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên.
Theo TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, sau năm 1975, Tây Nguyên chỉ có gần 12.000 ha cà phê, với năng suất vài tạ cà phê nhân/ha. Đến nay, ngành cà phê Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc về diện tích, năng suất, sản lượng. Hiện nay, cả nước có trên 635.000 ha, năng suất đạt từ 2,3 - 2,5 tấn cà phê nhân/ha, sản lượng mỗi niên vụ đạt từ 1,5 triệu tấn cà phê nhân trở lên. Năng suất cà phê Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất trong các nước sản xuất cà phê và gấp 2,5 đến 3 lần năng suất bình quân của thế giới.
Viện Khoa học kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên tiền thân là Viện Nghiên cứu Cà phê Ea Kmat. Chỉ riêng trong 10 năm trở lại đây, Viện đã triển khai thực hiện hơn 100 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp, trong đó có trên 40% các nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến cây cà phê.
Xác định khâu sản xuất là mắt xích đầu tiên của chuỗi cà phê (sản xuất, chế biến, xuất khẩu, rang xay, tiêu thụ), Viện đã tập trung các nguồn lực để nghiên cứu giải quyết các vấn đề trọng yếu trong chuỗi sản xuất (gồm các bước: nhân giống, sản xuất cây con trong vườn ươm, trồng, chăm sóc cây con giai đoạn kiến thiết cơ bản, quản lý, khai thác vườn cây giai đoạn kinh doanh, phục hồi vườn cà phê già cỗi năng suất thấp, trồng tái canh cà phê).
Theo đó, từ năm 2000 - 2010, Viện đã lai tạo thành công thêm 9 giống cà phê vối, gồm TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13 và 2 giống cà phê chè: TN1, TN2 và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Các giống cà phê vối mới này đạt năng suất bình quân từ 4,5 đến 7,3 tấn cà phê nhân/ha/vụ, cao hơn giống hiện trồng trong sản xuất khoảng 30%, tương đương 700 kg/ha. Đặc biệt, kích cỡ hạt đã được cải thiện, trọng lượng 100 nhân đạt từ 17 đến 23 gram so với trọng lượng 100 nhân bình quân trong sản xuất lâu nay chỉ đạt 13 đến 14 gram. Một trong những ưu điểm nổi bật của các dòng vô tính chọn lọc mới này là khả năng kháng bệnh rỉ sắt rất cao. Hiện nay, các giống cà phê mới này đã được Viện Khoa học kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên chuyển giao cho bà con nông dân sản xuất đại trà nhằm thay thế bộ giống cà phê cũ bằng phương pháp ghép cải tạo trên đồng ruộng và sản xuất cây giốngghép chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu trồng mới, thay thế giống của các đơn vị và bà con nông dân sản xuất cà phê trên địa bàn của cả nước.
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã nghiên cứu thành công về kỹ thuật canh tác, quản lý cây trồng tổng hợp, nhất là xác định được lượng nước tưới cho cà phê kinh doanh đối với tưới bằng béc (tưới phun mưa) từ 600 đến 700 m3/ha/lần, đối với tưới gốc (tưới dí) chỉ có 500 đến 600l nước/gốc/lần tưới, với chu kỳ tưới là 20 đến 25 ngày/lần.
Viện cũng đã chuyển giao quy trình quản lý dinh dưỡng cây cà phê cho bà con nông dân từ tỷ lệ, liều lượng, số lần bón đến thời kỳ bón phân NPK, liều lượng các loại phân trung lượng như lưu huỳnh, phân vi lượng như kẽm, bo, phân hữu cơ. Viện khuyến cáo bà con nông dân sử dụng thêm phân hữu cơ bón cho cà phê kinh doanh, với lượng bón 20 tấn/ha và 2 đến 3 năm bón phân hữu cơ một lần thì sẽ giúp cho cây cà phê sử dụng phân N,P,K tốt hơn…
Viện cũng hướng dẫn bà con nông dân trồng cà phê kỹ thuật làm bồn, đào rãnh ép tàn dư thực vật, xáo xới để tăng thêm hệ số sử dụng phân bón lên thêm 30,2% trên đất bazan và 16,6% trên đất granite, đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân cần trồng cây che bóng, chăn gió, kỹ thuật quản lý sâu bệnh hại trên cây cà phê vối nhằm kéo dài thời gian kinh doanh có hiệu quả của vườn cà phê… Đặc biệt, trong vài năm gần đây, Viện đã chuyển giao đến bà con nông dân trồng cà phê kỹ thuật cưa đốn, phục hồi, chọn chồi tái sinh, ghép các dòng vô tính chọn lọc hoặc quy trình kỹ thuật trồng tái canh cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã có nhiều thành tựu nghên cứu về công nghệ sau thu hoạch như xây dựng quy trình ứng dụng enzyme pectinase để xử lý lớp nhớt trong phương pháp chế biến cà phê ướt, kỹ thuật thu hái, chấm dứt tình trạng thu hái quả phê còn xanh nhằm nâng cao chất lượng cà phê…
Theo TS. Lê Văn Báu, trong những năm tới, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên tiếp tục nghiên cứu và phát triển các giống cà phê theo phương pháp lai tạo giống truyền thống đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt, từng bước tiếp cận, ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn giống kháng bệnh, giống chịu hạn và kỹ thuật nhân giống, nhất là chú trọng chọn giống cà phê kháng tuyến trùng phục vụ cho công tác trồng tái canh. Viện cũng nghiên cứu hệ thống các biện pháp canh tác theo hướng chú trọng các giải pháp tổng hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, các biện pháp kỹthuật phục hồi khả năng sản xuất của các loại đất phục vụ tái canh cây cà phê vối, giải pháp quản lý nước tưới cây cà phê theo hướng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước; nghiên cứu sâu bệnh hại trên cây cà phê và các biện pháp phòng trừ tổng hợp theo hướng sinh học thân thiện với môi trường… nhằm góp phần phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.
Năm 2014, tổng sản lượng cà phê xuất khẩu toàn vụ đạt trên 1,7 triệu tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch trên 3,4 tỷ USD, cà phê là mặt hàng có giá trị xuất khẩu đứng thứ hai trong nước, chỉ sau lúa gạo. Trên 90% diện tích cà phê của Việt Nam tập trung ở Tây Nguyên đã góp phần phát triển kinh tế xã, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn./.