Với chi phí thấp, dễ thực hiện, mô hình chăn nuôi gà đồi sử dụng men sinh học tại Hợp tác xã chăn nuôi trồng trọt dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh (còn gọi là Hợp tác xã Đông Thịnh) ở xã Tân Khánh (Phú Bình) đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Hợp tác xã Đông Thịnh được thành lập đầu năm 2011 với 15 hộ hội viên thuộc các xóm Đồng Bầu, Ngò, Đồng Tiến, Tranh... tham gia với tổng số vốn huy động ban đầu là 1,5 tỷ đồng. Bình quân một năm, Hợp tác xã nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa trên 30 nghìn con, dịp cuối năm tổng đàn gà có thể lên tới trên 40 nghìn con, chủ yếu là giống gà Vạn phúc, lai chọi, J- dabaco...
Anh Hà Văn Đông, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: Hầu hết trong Hợp tác xã, các hộ chăn nuôi với quy mô lớn nhưng vấn đề dịch bệnh và ô nhiễm môi trường vẫn là những khó khăn lớn, chưa được giải quyết triệt để. Qua tìm hiểu, được biết Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội có cung cấp men sinh học hoạt tính được làm từ các loại thảo dược dùng để ủ thức ăn sử dụng cho gia súc, gia cầm nên Hợp tác xã đã áp dụng đối với đàn gà của các xã viên. Theo đó, 1 kg men vi sinh sẽ trộn với khoảng 150kg thức ăn hỗn hợp (gồm cám gạo hoặc ngô,rau xanh) và 60 lít nước, sau đó ủ trong 48 giờ đến khi có mùi chua nhẹ rồi cho vật nuôi ăn. Loại men vi sinh này có tác dụng kích thích tiêu hóa, ổn định vi sinh vật và hạn chế một số bệnh về đường ruột và hô hấp nên gà hấp thụ chất dinh dưỡng tốt. Mặt khác, men còn ngăn ngừa phân sống, sình bụng, nếu cho ăn trong 5 ngày đầu mùi hôi giảm 50%, từ ngày thứ 10 trở đi có thể giảm 80%. Khi sử dụng men sinh học ủ với thức ăn, tỷ lệ sống của con gà đạt trên 95%, có hộ đạt 100%. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, mỗi con gà trong quá trình sinh trưởng, phát triển tiêu tốn khoảng 0,5kg men vi sinh (có giá 30.000 đồng). Khi xuất bán với giá bình quân 70.000 đồng/kg, trọng lượng bình quân đạt 2,2kg/con, người chăn nuôi thu lãi khoảng 12-15 nghìn đồng/con (tăng 3.000 đồng so với trước đây). Bên cạnh đó, thay vì cứ 10 ngày người dân phải thực hiện rắc trấu dọn chuồng 1 lần thì đến nay, 1 tháng mới phải dọn vệ sinh chuồng trại một lần, tiết kiệm thời gian và nhân công. Từ những ưu điểm trên, đến nay, không chỉ các hộ xã viên trong Hợp tác xã sử dụng loại men vi sinh này để chăn nuôi gà mà trên địa bàn xã đã có hơn 100 hộ dân sử dụng vào việc chăn nuôi của gia đình, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, xóm Cà, một trong những xã viên của Hợp tác xã cho biết: “Với diện tích chuồng trại 1.000m2, mỗi lứa tôi nuôi khoảng 2.000 con gà chủ yếu là giống gà ri vàng, Vạn Phúc. Trước đây, bằng cách nuôi truyền thống, chủ yếu sử dụng cám công nghiệp cho gà ăn thẳng tôi thấy gà thường hay mắc một số bệnh về đường hô hấp và đường ruột nên tỷ lệ hao hụt cao, nhất là vào mùa mưa ẩm mùi hôi thối từ chất thải không những gây ô nhiễm môi trường mà ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con xung quanh. Từ khi sử dụng men vi sinh thảo dược ủ với thức ăn, gà không mắc bệnh ké chân, bướu lườn, ít cắn mổ, đặc biệt các bệnh về đường hô hấp như hen cũng không ít hơn. Với phương pháp này, gà tăng trọng nhanh, độ đồng đều cao, vấn đề môi trường được giải quyết một cách cơ bản, mùi hôi thối không còn; tỷ lệ hao hụt còn 2%...”
Theo ông Phùng Đình Thắng, một hộ dân có kinh nghiệm nuôi gà lâu năm ở xóm Đồng Bầu thì trong quá trình chăn nuôi gà, ông đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu mùi hôi thối từ các khu chuồng trại nhưng đều không khả quan. Từ khi chuyển sang dùng men vi sinh thảo dược đã giúp phân hủy phân, giảm mùi hôi thối và khí độc trong chuồng nuôi, tạo môi trường sạch sẽ cho gà phát triển tốt. Qua đó, giảm tỷ lệ mắc các loại dịch bệnh, đàn gà tăng trọng nhanh, tỷ lệ nuôi sống đạt cao. Bình quân, cứ 1.000 con gà gia đình ông tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng tiền thuốc thú y so với trước đây. Ngoài ra, sau khi gà được gần 2 tháng tuổi, ông thường thả gà ra ngoài vườn trong thời gian 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ rồi lại cho vào, nhờ đó, gà rất săn chắc và tăng sức đề kháng. Sau 2,5 tháng chăn nuôi, gà đạt trọng lượng từ 1,5-1,7kg/con, mỗi lần xuất bán, trừ mọi chi phí cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng/lứa.
Đánh giá về hiệu quả của phương pháp chăn nuôi này, bà Nguyễn Thị Hợp, Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình cho biết: Hợp tác xã Đông Thịnh là mô hình đầu tiên sử dụng men sinh học thảo dược để chăn nuôi gà. Phương pháp này phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Nhất là khi thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” đã được công nhận thì việc ứng dụng công nghệ này vào chăn nuôi sẽ đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đánh giá, khi sử dụng phương pháp này vào chăn nuôi gà, người dân sẽ giảm được 50% nhân công lao động do không phải tốn công dọn, rửa vệ sinh chuồng trại; tiết kiệm 10% thức ăn do khả năng tiêu hóa hấp thụ của vật nuôi tốt hơn và đặc biệt là không còn mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, bà con chủ động được nguồn thức ăn từ sản xuất nông nghiệp nên vốn đầu tư không cao mà lại mang lại hiệu quả tốt. Để khuyến khích các hộ chăn nuôi sử dụng phương pháp này, thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện sẽ tổ chức các mô hình trình diễn, hội thảo nhằm giúp bà con nâng cao trình độ chăn nuôi gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung với quy mô lớn có kiểm soát...