Xã Văn Hán (Đồng Hỷ) có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với cây chè. Thực tế, chè đã trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương, với thu nhập khoảng 80 tỷ đồng/năm, chiếm 47,7% tổng thu toàn xã.
Hiện nay, người dân trong xã đang tích cực nâng cao kiến thức trồng, chăm sóc và chế biến chè an toàn để sản phẩm chè Văn Hán đứng vững trên thị trường.
Cây chè đã bén rễ trên đất Văn Hán từ trên 80 năm nay. Trước đây người dân vốn quen với giống chè trung, tuy trồng với diện tích lớn nhưng giá trị kinh thế không cao và được con là cây trồng phụ. Nhưng nay, chè đã được xác định là một trong hai loại cây công nghiệp chủ lực của xã, cũng là cây xoá đói giảm nghèo, làm giàu của nông dân. Nói về sự thay đổi này, đồng chí Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm 2006 trở về trước, Văn Hán gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do trình độ dân trí không đồng đều, người dân chưa chú trọng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thời gian đó, bà con chủ yếu trồng chè hạt, giống chè tuy dễ chăm sóc nhưng giá trị kinh tế không cao. So sánh ở thời điểm hiện tại, chè trung du có giá khoảng 85 nghìn đồng/kg thì chè cành giống mới có giá bán gần gấp đôi. Bên cạnh đó, năng suất của chè cành cao hơn đáng kể, đạt khoảng 130kg búp khô/năm. Nhận thấy những ưu điểm của giống chè cành, trong các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Đảng bộ xã đều xác định ưu tiên tập trung chăm sóc và cải tạo cây chè, để từ đó nâng cao đời sống cho bà con.
Cụ thể, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân trồng mới và thay thế các giống chè cành như: LDP1, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên…; khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng xuất, chất lượng chè. Nhận thấy thấy rõ ưu điểm của cây chè giống mới, người dân đã dần đã chuyển đổi, chủ động nhân rộng diện tích trồng. Nếu như năm 2006, diện tích chè cành của xã còn chưa đáng kể thì đến năm 2014, chè cành đã có mặt ở tất cả 17 xóm với diện tích đạt gần 300ha (trên tổng số 750ha chè kinh doanh của xã). Cả xã có khoảng 2.200/2.500 hộ tham gia sản xuất chè; sản lượng chè búp tươi đạt 8,4 nghìn tấn, mang lại thu nhập 80 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, để sản phẩm chè đứng được trên thị trường, xã Văn Hán còn tích cực phổ biến và vận động người dân sản xuất chè theo quy trình an toàn; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và các doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và chế biến chè tại các xóm. Từ đó, tư duy trong sản xuất chè của người dân đã dần thay đổi, dần thay thế thuốc trừ sâu hóa học bằng các chế phẩm sinh học; tuân thủ nghiêm quy trình thu hái, không để chè bị dập búp và chế biến ngay sau khi thu hái; đảm bảo khu bảo quản, chế biến chè sạch sẽ… Vì thế, sản phẩm chè của người dân Văn Hán đã được nhiều người tiêu dùng tin dùng và bán được với mức giá trung bình 150 nghìn đồng/kg.
Chúng tôi đã đến xóm Hòa Khê 1 là một trong những làng nghề chè đầu tiên của xã Văn Hán được công nhận. Qua quan sát của chúng tôi, các nương chè tăm tắp xanh bóng trong ánh nắng đều được phủ gốc giữ ẩm, vệ sinh sạch sẽ, một số đã được trang bị hệ thống vòi tưới tự động hiện đại. Anh Bùi Đình Chiến, người dân của xóm chia sẻ: Xóm Hòa Khê có 240 hộ, thì 98% sô# hộ gia đình có thu nhập từ trồng chè. Trong xóm có những gia đình sản xuất chè đến đâu bán hết đến đấy, cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/lứa. Sở dĩ được như vậy vì bên cạnh sao được chè ngon, chúng tôi đã tuân thủ nghiêm các quy định về sản xuất chè an toàn vì hiểu rằng sản xuất an toàn chính là giữ gìn sức khỏe của gia đình, hàng xóm và người tiêu dùng. Gia đình tôi cũng có trên 10.000m2 chè, mỗi lứa cho thu được gần 20 triệu đồng.
Nói về định hướng phát triển cây chè ở xã trong những năm tới, đồng chí Nguyễn Xuân Hiền cho biết thêm: Chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích bà con nhân dân mở rộng và thay thế những giống chè cũ bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, chúng tôi định hướng để bà con tuân thủ các nguyên tắc về sản xuất chè an toàn để từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Văn Hán…