Động lực trong phát triển kinh tế

17:32, 18/05/2015

Hoạt động nghiên cứu triển khai các đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) những năm qua tại tỉnh không có các nghiên cứu cơ bản (nghiên cứu hàn lâm), mà chủ yếu là ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN. Các đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của tỉnh.

Hầu hết các đề tài, dự án được ứng dụng đều mang lại hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đó là chia sẻ của đồng chí Bùi Văn Hoan, Giám đốc Sở KH & CN trong buổi làm việc với chúng tôi.

 

Hiện nay tổng kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh được giao hằng năm khoảng 20 tỷ đồng, trong đó khoảng 40% chi cho các hoạt động quản lý Nhà nước mà ngành được giao, số còn lại khoảng 11-12 tỷ đồng dành cho các hoạt động nghiên cứu triển khai các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ KH & CN vào sản xuất và đời sống. Với nguồn kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao các đề tài, dự án KH &CN thấp như trên, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Sở KH & CN đã phải tính toán rất kỹ trong việc lựa chọn để nghiên cứu, cũng như ứng dụng những tiến bộ KH & CN từ đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống. Nhờ vậy, khoảng 90% danh mục các đề tài, dự án được phê duyệt đều là nghiên cứu ứng dụng, do đó kết quả của các nghiên cứu này thường là cụ thể, có tính thực tiễn cao.

 

Cụ thể, đối với khoa học nông nghiệp, đã rất thành công trong việc nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống như: giống chè, lúa, cây ăn quả, hoa, khoai tây; nuôi trồng một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá rô phi đơn tính, cá tầm. Các mô hình dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế cao ở lĩnh vực trồng trọt phải kể đến việc đưa một số giống lúa đặc sản mới có giá trị kinh tế cao như: SH4, HT6, HT9, HT1, SH8 vào gieo cấy. Qua 1 năm triển khai năng suất đạt từ 62-63 tạ/ha, tăng so với các giống lúa cũ từ 5-10%. Thông qua việc xây dựng mô hình thâm canh lúa lai, cánh đồng một giống không chỉ làm ổn định vấn đề an ninh lương thực mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Mô hình chè VietGAP ở Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, T.P Thái Nguyên đã làm tăng hiệu quả kinh tế và khẳng định giá trị của nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Hay như từ những mô hình ban đầu chuyển giao giống khoai tây Sinora tại 2 huyện Đại Từ và Định Hóa của Viện lương thực và cây thực phẩm với Sở KH & CN cách đây 5 năm, đến nay đây là cây chủ lực trong vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con của nhiều huyện trên địa bàn tỉnh. Đối với lĩnh vực chăn nuôi phải kể đến việc đẩy mạnh mô hình chăn nuôi gà thả vườn ở các huyện Phú Bình, Phổ Yên, Sông Công, Định Hóa. Việc áp dụng các tiến bộ KH&CN thông qua các mô hình, dự án đã nâng cao trình độ của nông dân, giá trị của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình ứng dụng KH&CN đang phát triển và nhân rộng theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương.

 

Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các đề tài, dự án đã cung cấp được luận cứ khoa học tạo tiền đề ban hành nhiều chủ trương, chính sách và giúp cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, lựa chọn, quyết định đúng, hợp lý, có bước đi phù hợp và góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Ở lĩnh vực khoa học y dược phải kể đến đề tài ứng dụng tiến bộ kỹ thuật dao Gamma xây dựng Trung tâm trị liệu ung thư tại Bệnh viện C; nghiên cứu, ứng dụng hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện A.

 

Trong giai đoạn 2010-2015, Hội đồng chính sách KH&CN của tỉnh đã phê duyệt triển khai thực hiện 187 đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thuộc 06 chương trình KH&CN đó là: KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; KH&CN phục vụ nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp; KH&CN phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; khoa học xã hội và nhân văn; KH&CN quản lý khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; KH&CN phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế xã hội. Các đề tài, dự án đã mang lại hiệu quả cao và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Bên  cạnh việc chủ động tham mưu cho tỉnh trong việc lựa chọn, quyết định triển khai các đề tài, dự án KH &CN, Sở KH &CN làm tốt công tác phối hợp trong nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống với các đơn vị nghiên cứu triển khai của Trung ương, với Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên, với các doanh nghiệp trong tỉnh với nhiều đề tài nghiên cứu, dự án ứng dụng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao.

 

Trong các lĩnh vực công tác nổi bật của Sở KH &CN trong thời gian qua, đặc biệt phải kể đến hoạt động sở hữu trí tuệ đã được thực hiện khá tốt, góp phần xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu được khẳng định và có sức cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, Sở đã tham mưu cho tỉnh đăng bạ và bảo hộ 01 chỉ dẫn địa lý; 02 nhãn hiệu chứng nhận, 12 nhãn hiệu tập thể và hơn 400 nhãn hiệu hàng hóa của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Làm tốt công tác này chính là giải pháp hiệu quả trong việc tôn vinh, quảng bá và nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản của địa phương. Đến nay, hầu hết các sản phẩm chủ lực của địa phương đã được xây dựng và cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: Chè Thái Nguyên, gạo Bao thai Định Hóa, Chè Trại Cài, La Bằng, Vô tranh, Phổ Yên; lúa nếp vải Phú Lương, Nấm Thái Nguyên, Bưởi Tiên Hội… Đặc biệt, trong năm 2014 đã có 02 nhãn hiệu chứng nhận được cấp đó là nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng” và nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Phú Bình”. Hiện nay đã đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại các nước: Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan để nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên ra các nước trên thế giới.

 

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới thì mấu chốt vẫn là phải tạo lập được hành lang pháp lý đủ mạnh để khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động KH&CN. Có nghĩa là trách nhiệm thuộc về những người làm công tác quản lý Nhà nước về KH&CN. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Hoan cho biết thêm: Thời gian tới, Sở sẽ tập trung để tham mưu trình UBND tỉnh ban hành một loạt cơ chế chính sách để cụ thể hóa các văn bản của cấp trên cho phù hợp với thực tế của tỉnh, đó là: Cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN; cơ chế tài chính, đặc biệt là định mức chi cho hoạt động nghiên cứu và triển khai (cơ chế như hiện tại đã không còn phù hợp); hình thành Quỹ Phát triển KH&CN của tỉnh (từ nguồn ngân sách Nhà nước và từ các doanh nghiệp), tiến tới cấp kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN thông qua quỹ và theo cơ chế quỹ; tăng cường tiềm lực KH&CN để đảm đương được các nhiệm vụ trước yêu cầu phát triển và hội nhập.