Nâng tầm thương hiệu “Chè Thái Nguyên”

11:32, 27/05/2015

Trong 2 ngày 26 và 27-5, Đoàn công tác của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) do bà Francesca Toso làm Trưởng đoàn và các chuyên viên của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ để thảo luận khả năng xây dựng và triển khai Dự án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm chọn lọc của Việt Nam” trong đó có sản phẩm chè Thái Nguyên.

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, toàn tỉnh hiện có hơn 20.700 ha chè, đứng thứ hai về diện tích chè trong cả nước, trong đó có hơn 17.600ha chè kinh doanh với năng suất chè búp tươi đạt 109,4 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 192.700 tấn, sản lượng chè búp khô thu được đạt hơn 38.500 tấn. Giá trị sản phẩm của cây chè theo giá hiện hành đạt 1.800 tỷ đồng, chiếm 27% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt và chiếm 14% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, Thái Nguyên có tới 80% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng VietGAP. Trong những năm qua, Sở đã tham mưu cho tỉnh quan tâm tới việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè Thái Nguyên. Cụ thể, năm 2006, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ, sau đó, một loạt các nhãn hiệu của các vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh cũng được xây dựng như: Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”; các nhãn hiệu tập thể “Chè La Bằng”, “Chè Trại Cài”, “Chè Vô Tranh”, “Chè Phổ Yên”… Các nhãn hiệu này đã góp phần giới thiệu, quảng bá và phát triển “Chè Thái Nguyên” trở thành một thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam. Sản phẩm chè Thái Nguyên hiện đang được xuất khẩu sang các nước Trung Đông và một số nước Châu á, Đông Âu.

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở đã đề xuất với đoàn công tác hỗ trợ trong việc nâng cao năng lực quản lý và phát triển thương hiệu cho chủ sở hữu và các cơ quan quản lý liên quan thông qua việc đào tạo, tập huấn, học tập kinh nghiệm một số nước bạn; đồng thời hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý các văn bản phục vụ công tác quản lý nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”; Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại các thị trường nước ngoài tiềm năng nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm chè Thái Nguyên sang các thị trường mới…

 

Nằm trong chương trình làm việc, Đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế tại HTX chè Tân Hương và Công ty Cổ phần chè Tân Cương Hoàng Bình về phương thức canh tác, chế biến chè trên địa bàn tỉnh.