Từ chủ trương chung của ngành y tế phân công bác sĩ vào nam tham gia "chống chiến tranh vi trùng" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến trường khu V có một cán bộ gương mẫu, quyết tâm sản xuất vắc-xin phục vụ đồng bào, chiến sĩ.
Và hôm nay, cô cán bộ ấy được nhiều người gọi bằng cái tên trìu mến: người sản xuất vắc- xin cho đất nước. Người đó là GS,TS, Thầy thuốc nhân dân Huỳnh Phương Liên.
Năm 1963, học hết năm thứ ba Trường đại học Y khoa Hà Nội, GS, TS, TTND Huỳnh Phương Liên xung phong đi "B". Hai tháng rưỡi vượt Trường Sơn để đến được trạm tập kết chờ phân công công tác, nữ sinh viên y khoa "được" nếm trải tất cả gian khổ của cuộc hành quân.
Háo hức nhận công tác tại K15 (thuộc Ban Dân y Khu V tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), cô không khỏi sửng sốt khi được dẫn đến một ngôi nhà lá tạm bợ, vắng hoe trong rừng sâu mà người giao liên gọi đó là "cơ quan". Sau này, cô mới biết, chỗ cũ đã bị máy bay B52 xóa sạch, đây là nơi mới chuyển đến và chuyển cơ quan là chuyện thường trong chiến tranh. Cô tham gia xây dựng cơ sở mới trước khi bắt tay vào chuyên môn, lần đầu trong đời chặt tre, vác nứa, tự thiết kế phòng thí nghiệm, rồi làm cấp dưỡng, mót sắn, tìm rau, bẻ củi... ngoài rừng. Hằn sâu trong ký ức cô sinh viên Hà Nội ngày ấy là cái đói triền miên. Một ngày hè năm 1969, cả cơ quan vừa đi cõng gạo đường xa về, chợt máy bay địch sà thấp, để lại trên rẫy sắn, nhà cửa, khe suối... từng đám khói xám mù mịt, đó là chất độc hóa học của Mỹ. Thủ trưởng đơn vị hét lớn: "Cứu sắn!". Tất cả chạy ùa ra rẫy, lá sắn đã rũ hết xuống, người xót xa ôm sắn nhổ, người vội chặt củ khỏi cây... giành giật lấy nguồn lương thực hiếm hoi trước khi chúng bị nhiễm chất độc hóa học. Độ mươi hôm sau, khu rừng rụng hết lá, máy bay đến bỏ bom tọa độ, cơ quan lại chuyển sang khu rừng mới... Một phòng thí nghiệm chiến trường khác lại được dựng lên để sản xuất vắc-xin tả, thương hàn và đậu mùa. Tủ cấy vi khuẩn vô trùng, kính hiển vi, lò sấy ướt, cân hóa chất, các dụng cụ phòng thí nghiệm... được vận chuyển từ miền bắc vào nhưng vẫn thiếu thốn đủ bề; tủ ấm nuôi cấy vi sinh phải chạy bằng đèn dầu hỏa, điều chỉnh làm sao đúng nhiệt độ để vi khuẩn phát triển, nuôi vi khuẩn trong chai đựng rượu mua từ đồng bằng mang về...
Khi phòng thí nghiệm được làm xong, Huỳnh Phương Liên được phân công phụ trách chuyên môn của cơ quan. Những em học sinh trình độ văn hóa lớp ba, lớp bốn được đào tạo phụ việc cho phòng thí nghiệm. Sau nhiều nỗ lực, quyết tâm, vắcxin tả, thương hàn, đậu mùa ra đời, được đóng vào ống, dán nhãn kiểm định chất lượng hẳn hoi, đủ cung cấp cho vùng giáp ranh giữa địch và ta ở Quảng Tín, Quảng Đà và Quảng Ngãi. Nhiều hôm đang làm chuyên môn, nghe tiếng súng ùng oàng, những loạt B52 rung cả núi rừng, cô không sợ gì hơn là phải dời cơ quan, phải dựng phòng thí nghiệm từ đầu... Sống nghiêm túc, gương mẫu và quyết tâm, Huỳnh Phương Liên được đồng nghiệp và đồng chí tín nhiệm bầu vào chi ủy rồi đảng ủy, bí thư đoàn của Ban Dân y Khu V.
Sau sáu năm đói gạo, đói sắn, sống chung với sốt rét nơi chiến trường, cơ thể da bọc xương, Phương Liên còn 31 kg. Đầu năm 1972, Huỳnh Phương Liên được Khu ủy Khu V cho ra bắc chữa bệnh.
75 ngày vượt Trường Sơn ra bắc, gặp bộ đội trùng trùng lớp lớp tiến vào chiến trường, các em tân binh vừa tạm biệt trường đại học vào nam chiến đấu, cô lại tiếc nuối, giá như được quay trở lại chiến trường. Nhưng nhiệm vụ của cô là một "cuộc chiến" mới.
Sau khi chữa bệnh, Huỳnh Phương Liên được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cử đi học nâng cao kiến thức ở CH Dân chủ Đức để tiếp cận công nghệ mới sản xuất vắc-xin, trở về phục vụ đất nước. Đi ra từ chiến tranh, học tập, nghiên cứu để phục vụ chiến tranh nhưng ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, cô vẫn học ở CH Dân chủ Đức.
Cả cuộc đời gắn bó với phòng thí nghiệm, nghiên cứu về vi-rút viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sởi, rubella, cúm, nghiên cứu phát triển các vắc-xin nhưng công trình để đời của GS Huỳnh Phương Liên là ứng dụng thành công công nghệ sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản vào năm 1992. Nhờ đó, Việt Nam đẩy lùi bệnh viêm não Nhật Bản, tỷ lệ mắc bệnh hiện chỉ còn 5 đến 10%.Với chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giá thành chỉ bằng 20% giá vắc-xin nhập khẩu, GS Huỳnh Phương Liên được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005. Đây cũng là vắc-xin duy nhất của Việt Nam được xuất khẩu. Nhờ thành tích nghiên cứu và giảng dạy, năm 1992 Huỳnh Phương Liên được phong hàm phó giáo sư; năm 1996 được phong hàm Giáo sư và danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú; năm 2000 được phong danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Ngoài ra, GS Huỳnh Phương Liên còn vinh dự nhận các giải thưởng khoa học như giải nhất Vifotech về công nghệ sinh học năm 1995; đứng đầu tập thể nữ nghiên cứu phát triển các vắcxin của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đoạt giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a năm 1999.
Giải thưởng khoa học với GS Huỳnh Phương Liên chỉ là những kỷ niệm trên chặng đường nghiên cứu khoa học không ngừng nghỉ của mình.
Là chuyên gia đầu ngành về vắc-xin, GS Huỳnh Phương Liên tiếp tục cống hiến sức mình tại Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 khi về hưu. Trước khuyến cáo của WHO thời gian tới, các nước cần chuyển sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản từ não chuột sang vắcxin viêm não Nhật Bản bất hoạt trên tế bào vero, GS đã đi tắt đón đầu, miệt mài 5 năm nghiên cứu thành công.
Hiện nay, sản phẩm đang thử nghiệm lâm sàng trên người và nằm trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia vắc-xin phòng bệnh cho người.
Chia sẻ về cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, GS Huỳnh Phương Liên nói, nền tảng hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chính là nhờ những năm tháng gian khổ ở chiến trường chống đế quốc Mỹ, nơi đó đã rèn cho bà tính tập thể, hết lòng vì công việc và vì mọi người. Nơi đó, bà có các bạn, các đồng nghiệp đã hy sinh để bà luôn tâm niệm sống và làm việc thật xứng đáng với "các bạn, các anh" đã ngã xuống.