Trong giai đoạn 2011-2015, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đề xuất 15 dự án tham gia Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và đã có 6 dự án đã được Bộ KH&CN phê duyệt với tổng kinh phí được hỗ trợ từ Chương trình là trên 2,9 tỷ đồng, kinh phí địa phương đối ứng là trên 1,14 tỷ đồng.
Các dự án này chủ yếu tập trung vào các nội dung: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; hỗ trợ áp dụng các quy trình quản lý, kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm đã được bảo hộ. Bên cạnh đó, Chương trình còn nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đã được bảo hộ. Hỗ trợ xây dựng, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản của địa phương có giá trị kinh tế cao. Đơn cử như đối với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, thông qua chương trình này, chủ sở hữu đã thành lập được Ban quản lý nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, ban hành được các văn bản phục vụ công tác quản lý và sử dụng nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã tăng giá bán được từ 1,5 đến 2 lần so với trước khi được bản hộ. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 754 tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Thông qua việc hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về sở hữu trí tuệ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Các dự án này đã mang lại những hiệu ứng tích cực, tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả đối với các sản phẩm lợi thế của địa phương.