Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất

08:00, 20/08/2015

Ðể chuyển đổi cơ cấu cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ (KH&CN) vào đời sống và đạt được những hiệu quả nhất định.

Có mặt tại khu trang trại của Chi nhánh Nghiên cứu và Phát triển động thực vật bản địa, Công ty cổ phần Khai khoáng miền núi tại xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương chúng tôi ngạc nhiên bởi quy mô rộng lớn của trang trại. Ngoài thực hiện Dự án “Ứng dụng Khoa học và công nghệ trong sản xuất giống và chăn nuôi lợn rừng lai tại tỉnh Thái Nguyên” thuộc Chương trình nông thôn miền núi, đơn vị đang triển khai rất nhiều mô hình khác về các loại cây, con như bưởi da xanh, nuôi ngựa bạch, hươu… Cùng cán bộ kỹ thuật của đơn vị đi thăm từng khu nuôi lợn rừng lai, chúng tôi nhận thấy mô hình được đầu tư rất công phu. Đơn vị thực hiện Dự án đã đã đầu tư máy nghiền, máy trộn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Khu chuồng trại được thiết kế riêng cho từng loại lợn lái, lợn thương phẩm, lợn con, lợn đực giống… Hệ thống hầm Biogas xử lý chất thải, vệ sinh thú y phòng chống dịch bệnh, khu vườn thả vật nuôi, cho đến hệ thống cung cấp nước được đầu tư đồng bộ.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, anh Trần Đình Quang, Giám đốc Chi nhánh Nghiên cứu và Phát triển động thực vật bản địa cho biết: “Mục tiêu của Dự án là áp dụng những tiến bộ khoa học vào xây dựng thành công mô hình nuôi lợn rừng lai sinh sản và lợn rừng lai thương phẩm. Đồng thời tổ chức nhân rộng được mô hình nuôi lợn rừng lai thương phẩm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận. Sau hơn 3 năm thực hiện, dự án đã chuyển giao được 04 quy trình công nghệ đảm bảo yêu cầu của chăn nuôi lợn rừng lai sinh sản, lợn con sau cai sữa, lợn thương phẩm và vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh; đào tạo được 04 kỹ thuật viên và tấp huấn cho 120 lượt học viên nắm được và thực hành thành thạocác quy trình công nghệ chăn nuôi lợn rừng lai sinh sản và thương phẩm. Chúng tôi đã xây dựng được mô hình chăn nuôi lợn rừng lai sinh sản, quy mô 31 nái, 3 lợn đực giống, năng suất sinh sản bình quân 7,38 con/lứa, lợn con giống 56 ngày tuổi có tỷ lệ sống đạt 89,62% và có trọng lượng trung bình 5,39kg/con. Tính đến nay, đã xuất chuồng được 270 lợn con giống có khối lượng trung bình đạt 12kg/con và bán được 397 con lợn thịt cho các nhà hàng, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Về giá thịt lợn hơi thương phẩm hiện nay chúng tôi đang bán là 150 nghìn đồng/kg. Với giá như trên, người chăn nuôi có lãi rất cao”. Thông qua thực hiện Dự án, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 20 mô hình chăn nuôi lợn rừng lai thương phẩm. Dự án thực hiện thành công không chỉ cung cấp nguồn con giống chất lượng và còn cung cấp được một lượng lớn thực phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần nâng cao nhận thức, trình độ và thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.

 

Ngoài Dự án nuôi lợn rừng lai kể trên, những năm qua, thông qua việc chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào đời sống, trên địa bàn tỉnh đã từng bước hình thành những vùng trồng chuyên canh các loại cây, như: Dưa hấu, khoai tây vụ đông, sản xuất chè VietGap, bưởi diễn, hoa đào, thanh long. Ở lĩnh vực chăn nuôi là phải kể đến các dự án mang lại hiệu quả cao như nuôi cá tầm, cá trắm đen, lợn rừng lai… 5 năm qua, riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có 55 đề tài, dự án KH&CN với tổng kinh phí đầu tư trên 14 tỷ đồng từ nguồn kinh phí KH&CN của tỉnh triển khai thực hiện. Các đề tài, dự án được triển khai đã bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Nội dung nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tập trung vào lĩnh vực đổi mới giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cao, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, là nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

 

Ở lĩnh vực trồng trọt phải kể đến việc đưa một số giống lúa đặc sản mới có giá trị kinh tế cao, như: SH4, HT6, HT9, HT1, SH8 vào gieo cấy. Qua 1 năm triển khai năng suất đạt từ 62-63 tạ/ha, tăng so với các giống lúa cũ từ 5-10%. Đặc biệt là nhiều mô hình trồng hoa chất lượng cao được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Ngoài mô hình trồng hoa trong nhà lưới với các giống hoa lan, hoa cúc, hoa Lily, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện dự án chuyển giao công nghệ, xây dựng vùng sản xuất hoa đào chất lượng cao tại T.P Thái Nguyên và ATK Định Hóa với quy mô 33.250m2. Sau 24 tháng triển khai đã ghép được 13.300 gốc đào gồm các giống: Bích đào, đào phai, đào Quảng Châu. Hai giống đào là đào phai và Quảng Châu có khả năng sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh. Mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao với doanh thu từ 800-900 triệu đồng/ha/năm.

 

Nhiều năm hợp tác với Sở KH&CN tỉnh, T.S Đặng Văn Đông, Trưởng bộ môn Nghiên cứu hoa, cây cảnh, Viện Nghiên cứu Rau quả cho rằng: "Là người làm khoa học, chúng tôi rất mừng là thông qua cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh (Sở KH&CN), các địa phương đã chủ động gặp chúng tôi để cùng tìm hiểu những loại cây trồng gì phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng để triển khai mô hình, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho nhân dân. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chúng tôi đã hợp tác rất chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của huyện Đồng Hỷ, T.P Thái Nguyên. Chúng tôi đã xác định được chủng loại cây trồng và các giống hoa phù hợp với điều kiện địa phương, cũng như thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài giá trị kinh tế mang lại, qua thực hiện các mô hình đã đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật và nông dân có trình độ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn".

 

“Có thể khẳng định, nhờ tích cực chuyển giao các tiến bộ KH&CN, nhiều dự án, mô hình thử nghiệm sau khi được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu đánh giá đạt từ loại khá trở lên đã được triển khai nhân rộng. Thông qua việc triển khai nhân rộng các mô hình KH&CN đã giúp tỉnh chủ động hơn về nhiều loại giống cây, con đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các giống mới có chất lượng cao, từ đó dần hình thành vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa và những sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân…” Đó là chia sẻ của đồng chí Bùi Văn Hoan, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh.