Phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng”

09:25, 16/09/2015

Trở lại xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ sau tròn một năm Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức Lễ công bố và trao nhãn hiệu “Miến Việt Cường Hóa Thượng” chúng tôi nhận thấy không khí lao động sản xuất ở đây trở nên sôi động hơn. Dưới cái nắng thu vàng hanh hao, nhà nhà đang tất bật quấy bột, cán, phơi miến…

Tạt xe vào thăm nhà anh Đặng Quang Tuyến - một cơ sở sản xuất miến có quy mô lớn của xóm… chúng tôi thấy hơn 10 lao động đang gấp rút đóng gói miến. Anh Tuyến đang chất từng bao miến lên chiếc ô tô bán tải mới cóng để chở đi giao hàng, vừa làm anh vừa nói chuyện với chúng tôi: “Chiếc ô tô này tôi vừa mua cách đây 3 tháng với giá gần tỷ đồng, cũng từ miến mà ra đấy. Từ khi sản phẩm miến của làng được cấp nhãn hiệu chứng nhận tập thể đến giờ, gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong làng nghề sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường. Cách đây hơn 1 năm, mỗi ngày gia đình ở xóm chỉ sản xuất được khoảng 1 tạ sản phẩm khô giao bán cho các thương lái tiêu thụ tại các tỉnh, thành phía Bắc. Bây giờ thì công suất đã tăng lên 3 tạ miến khô/ngày, sản phẩm đã được đóng gói và gửi  bán tại cả T.P Hồ Chí Minh. Ngoài 4 lao động của gia đình, tôi phải thuê thêm 8 nhân công ở nơi khác đến làm việc.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nghề làm miến ở xóm Việt Cường có từ khoảng 60 năm về trước, do cụ tổ Lưu Quang Huy truyền dạy cho con cháu và nhân dân. Ban đầu, chỉ có khoảng 10 hộ sản xuất theo mùa vụ, đến nay làng nghề đã có hơn 50 hộ sản xuất, trong đó có 35 hộ sản xuất quanh năm, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Miến Việt Cường mềm, dẻo, thơm ngon có tiếng. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là sợi miến dai, thơm mùi dong riềng đặc trưng và dù có đun lại nhiều lần cũng không bị nát như nhiều loại miến khác. Đó là bởi nguyên liệu làm miến nơi đây được người sản xuất chọn lựa kỹ càng từ những củ dong riềng tía, được trồng ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn và được làng nghề ký kết hợp tác thu mua nguyên liệu tại những nơi đó, giúp cho nguồn nguyên liệu đầu vào của các hộ sản xuất luôn ổn định. Với bí quyết làm nghề được truyền từ đời cha ông để lại, cùng với quyết tâm giữ vững uy tín của từng hộ sản xuất, nên các sản phẩm miến được sản xuất ra luôn đảm bảo không sử dụng chất bảo quản cũng như chất tẩy mầu. Hằng năm, làng nghề xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh từ 400-450 tấn miến.

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hội nhập và phát triển như hiện nay, các sản phẩm có mặt trên thị trường đang đứng trước những cơ hội và thách thức do tính cạnh tranh giữa các sản phẩm. Một sản phẩm có tính cạnh tranh cao phải đảm bảo nhiều yếu tố, trong đó chất lượng và nhãn hiệu được bảo hộ. Đây là 2 yếu tố quan trọng nhất để sản phẩm có thể phát triển bền vững. Được sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và sự cho phép của UBND tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tiến hành thực hiện Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Miến Việt Cường Hóa Thượng dùng cho sản phẩm Miến làm từ dong riềng của xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng. Sau quá trình tạo lập và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, ngày 12-9-2014, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh đã tổ chức lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng”. Đây là nhãn hiệu chứng nhận đầu tiên được bảo hộ trên địa bàn tỉnh. Việc được cấp nhãn hiệu chứng nhận góp phần nâng cao uy tín, khả năng cạnh tranh của sản phẩm miến được sản xuất tại đây trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Đỗ Văn Đạt, Trưởng xóm, Trưởng làng nghề miến Việt Cường vui mừng cho biết: “Ngay sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm miến của địa phương, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã mở một số lớp tập huấn về các vấn đề liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo lập và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm cho các hội viên làng nghề. Qua các lớp tập huấn, người sản xuất miến đã hiểu được những giá trị mang lại khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, ý thức được trách nhiệm đối với chất lượng trên mỗi sản phẩm miến khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ban quản lý làng nghề đã tuyên truyền đến các hộ trong làng nghề đầu tư cải tiến công cụ sản xuất. Đến nay, đã có 10 hộ đầu tư máy ép miến bằng máy thủy lực, số còn lại dùng động cơ để cán miến, góp phần nâng cao sản lượng cũng như giảm nhân công lao động thủ công. 100% các hộ làm miến đều đầu tư giàn phơi miến bằng I-nox đảm bảo vệ sinh. Ban quản lý làng nghề đã phối hợp cùng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng in logo, tem, nhãn ký hiệu sản phẩm và xây dựng mã vạch cho sản phẩm miến của từng gia đình. Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng” trên thị trường, thông qua Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương tỉnh, Ban quản lý làng nghề đã có nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành như: T.P Hồ Chí Minh, Nghệ An, Phú Thọ, Thái Nguyên. Đây là cơ hội để sản phẩm “Miến Việt Cường Hóa Thượng” được giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng, các doanh nghiệp cùng tham dự, là một kênh thông tin để đẩy mạnh phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng” trên thị trường. Từ làm miến, hiện nay toàn xóm Việt Cường có 8 hộ mua được ô tô, tỷ lệ hộ khá giả chiếm 70%, chỉ còn 1 hộ nghèo”.

 

Hiện nay, Ban quản lý làng nghề miến Việt Cường đang tổng hợp để đăng ký mã số thuế cho các hộ sản xuất để đưa sản phẩm “Miến Việt Cường Hóa Thượng” vào các siêu thị, tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất.Có thể khẳng định từ việc hỗ trợ, xác lập quyền, bảo vệ và khai thác các tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản của địa phương đã góp phần nâng cao tính năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.