Nhiều mô hình, sáng chế hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp

16:02, 11/10/2015

Xuất phát từ thực tế sản xuất và niềm đam mê khoa học, nông dân Trần Đại Nghĩa (xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải) và thầy giáo Nguyễn Năng Khương (xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy) đã sáng chế ra mô hình máy cấy lúa không dùng động cơ và máy phun thuốc trừ sâu đa dụng, góp phần giảm bớt sức lao động, phục vụ hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đây là hai trong số nhiều mô hình tiêu biểu trong Hội thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật lần thứ VI của tỉnh Thái Bình.

* Nông dân sáng chế máy cấy lúa

 

Thái Bình được biết đến với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa. Nhằm giải phóng sức lao động, giúp nông dân đỡ nhọc nhằn trên từng thửa ruộng, không chỉ có các nhà khoa học mà còn có cả những nhà nông đã tự tìm tòi, sáng chế ra những mô hình phục vụ chính sản xuất nông nghiệp. Anh Trần Đại Nghĩa (xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải) là ví dụ tiêu biểu. Anh cũng là 1 trong 6 đại biểu của Thái Bình đi dự Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV.

 

Những năm gần đây, với tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng nhanh, máy cấy lúa không còn xa lạ với nhiều hộ nông dân ở Thái Bình, tuy nhiên chi phí để mua chiếc máy này khá lớn, cỡ vài chục triệu đồng. Nếu cấy tay sẽ mất thời gian, vào thời điểm mùa vụ khó thuê được lao động. Vì vậy anh Nghĩa đã sáng chế ra máy cấy lúa không sử dụng động cơ.

 

Chiếc máy này gồm bàn trượt, giàn đựng mạ, hệ thống truyền động, hệ thống tay cấy. Máy hoạt động theo nguyên tắc k hi người điều khiển một tay kéo máy trượt trên mặt ruộng, đồng thời tay kia kéo cần điều khiển gắn với giàn mổ, kéo giàn mổ lên xuống, lực từ cần điều khiển tác động đến 4 tay cấy cùng lúc. Lực này đồng thời truyền qua thanh truyền động, đưa vào hệ thống biến đổi chuyển động lên xuống thành chuyển động ngang cho giàn đựng mạ. Giàn đựng mạ chuyển động từ trái qua phải và ngược lại theo người điều khiển. Mỗi chu kỳ lên xuống của giàn mổ mất thời gian một giây, trung bình mỗi giờ máy cấy được 1 sào Bắc bộ, công suất bằng 6 người cấy bằng tay theo truyền thống. Chiếc máy này có trọng lượng từ 22 kg đến 25 kg, chi phí dưới 4 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với chiếc máy cấy dùng động cơ khác. Với tính ưu việt nổi bật, chiếc máy đã được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới đặt hàng.

 

* Thầy giáo trẻ đam mê công nghệ

 

Cũng giống như nông dân Trần Đại Nghĩa, ít ai nghĩ được rằng một thầy giáo trẻ dạy mỹ thuật lại có thể sáng chế ra một chiếc máy phun thuốc trừ sâu hiệu quả và dễ sử dụng đến vậy. Dù không được đào tạo bài bản về ngành cơ khí, chế tạo nhưng bằng niềm đam mê, ham học hỏi, tìm tòi, thầy giáo Nguyễn Năng Khương (sinh năm 1984, Trường trung học cơ sở Thụy Hồng, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) là tác giả của những sáng chế khoa học hữu ích phục vụ lao động, sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, mô hình máy phun thuốc trừ sâu đa dụng của thầy giáo trẻ này đã đạt giải ba trong Hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh Thái Bình lần thứ VI năm 2014 - 2015.

 

Anh Khương chia sẻ, khoa học công nghệ là niềm đam mê từ thuở nhỏ với anh. Thời phổ thông, anh đã đi mua những thiết bị hỏng như máy tính, đồng hồ về để… “khám phá”. Nhiều đồ dùng hỏng anh sửa và dùng lại. Dần dần như vậy anh đã tích lũy cho mình vốn kiến thức về công nghệ, điện tử. Anh tranh thủ mọi nơi, mọi lúc để tìm hiểu về ngành mình yêu thích. Nhưng duyên nghề của anh không phải là một kỹ sư điện tử hay nhà nghiên cứu công nghệ mà là một thầy giáo dạy mỹ thuật. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, anh Khương về quê và gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”. Vừa dạy học, anh Khương vừa tiếp tục với những ý tưởng và sáng chế những mô hình, có khi chỉ để thỏa mãn niềm đam mê với công nghệ.

 

Việc sáng chế mô hình máy phun thuốc trừ sâu đa năng của thầy giáo trẻ Nguyễn Năng Khương xuất phát từ thực tế sản xuất nông nghiệp của bà con quê lúa Thái Bình. Anh cho biết, hiện nay nông dân chủ yếu sử dụng bình phun tay, bình điện thông thường. Tuy nhiên, việc phun thuốc còn diễn ra thủ công, bình phun đeo trên lưng rất nặng, đặc biệt với lao động nữ và người cao tuổi. Ngoài ra, việc phun theo phương pháp này nguy hiểm bởi vòi phun ở phía trước, nếu gặp gió dễ dẫn đến tạt thuốc về phía người phun, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

 

Từ thực tế này, anh Khương đã nghiên cứu và sáng chế máy phun thuốc trừ sâu đa năng không sử dụng động cơ đốt trong. Trên bờ chiếc máy được di chuyển bằng 2 bánh xe đạp, dưới ruộng sử dụng 2 guốc trượt. Chiếc máy này có 16 vòi phun, đảm bảo 100% bề mặt ruộng được phun thuốc, có thể điều chỉnh được dàn phun cao, thấp, bánh di chuyển rộng, hẹp theo hàng lúa cấy, động cơ phun cao áp được sử dụng bằng năng lượng điện ắc qui nên không ảnh hưởng đến môi trường. Với chiếc máy, trong khoảng 4 – 5 phút, một nông dân sẽ phun được 1 sào ruộng thay vì 15 phút như bình thuốc thông thường và không phải đeo nặng như trước. Máy phun thuốc trừ sâu của thầy giáo Nguyễn Năng Khương đã được áp dụng trên cánh đồng các xã Thụy Trình, Thụy Hồng (huyện Thái Thụy) và được đánh giá cao, dễ dùng và an toàn với người sử dụng./.