Hiệu quả bước đầu từ vùng nhãn chín muộn Đồng Hỷ

14:00, 28/11/2015

Qua cải tạo cây nhãn chính vụ trên địa bàn huyện Đồng Hỷ thành nhãn chín muộn bằng phương pháp ghép giống nhãn Hưng Yên (PHM99-1.1), bước đầu cho thấy ưu điểm nổi bật của cây nhãn ghép cải tạo là thời gian ra quả ngắn, dễ chăm sóc, quả to, ngọt, cùi dày, hiệu quả kinh tế tăng 35% so với trước….

Ở huyện Đồng Hỷ, cây nhãn được bà con nông dân trồng nhiều do có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp. Hiện nay, diện tích nhãn của toàn huyện đạt gần 300ha. Tuy nhiên, cây nhãn được trồng chủ yếu bằng hạt với các giống cũ nên cho quả nhỏ, cùi mỏng, chất lượng chưa được ngon nên giá bán thấp. Cùng với đó, cây nhãn cho quả chín sớm và chính vụ thường có hiện tượng ra quả không đều (năm có, năm không) nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

 

Nhằm cải tạo giống nhãn, Trạm Khuyến nông huyện Đồng Hỷ đã triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong ghép cải tạo cây nhãn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ” giai đoạn 1 (từ năm 2009-2012) tại các xã Hóa Trung và Hóa Thượng. Bước đầu, 2ha nhãn ghép đã thu được kết quả khả quan, cho hiệu quả kinh tế cao, được người dân đánh giá tốt. Năm 2013, được sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Dự án (từ năm 2013 - 2015) vào chuyển giao kỹ thuật ghép cải tạo cây nhãn cho 40 hộ dân tại 4 xã Khe Mo, Hóa Trung, Hợp Tiến và Hòa Bình với mục tiêu cải tạo tiếp 2ha nhãn thành nhãn chín muộn, giống PHM 99-1.1.

 

Tham gia Dự án, các hộ nông dân phải có diện tích vườn nhãn cần cải tạo trên 1.000m2, cây từ 5 tuổi trở lên. Các hộ dân được hỗ trợ mắt ghép, hướng dẫn kỹ thuật ghép và kỹ thuật chăm sóc; tham quan học hỏi kinh nghiệm thực tế. Dự án đã đào tạo được 40 hộ nông dân trở thành kỹ thuật viên ghép cây; đã ghép thành công và nghiệm thu là 48.000 mắt ghép (tỷ lệ mắt ghép sống là 74,8%), tương đương với 800 cây được ghép. Đến nay, ngoài diện tích Dự án hỗ trợ qua hai giai đoạn là 4ha thì nhân dân trong huyện đã tự ghép nhân rộng được khoảng hơn 1ha nữa. Cây nhãn ghép có những ưu điểm vượt trội là: Thời gian nhãn chín rải vụ dài hơn; quả to, ngọt, cùi dày, tỷ lệ đậu quả cao, quả phân bố đều trên chùm nên dễ bán được được giá. Ngoài ra, cây nhãn ghép còn hạn chế được hiện tượng ra quả các cách năm của giống nhãn cũ trên địa bàn.

 

Tại gia đình bà Nông Thị Nguyệt, ở xóm Na Long, xã Hóa Trung, vườn nhãn 200 gốc đã được ghép tới trên 1 nghìn mắt ghép từ năm 2013. Hiện tại những cây nhãn này phát triển tốt, không bị sâu bệnh và vừa cho thu hoạch được trên 1 tấn quả trong vụ vừa qua. Bà Nguyệt cho biết: Sau ghép mắt 3 năm, vườn nhãn đã cho thu hoạch trên 1 tấn quả với giá bán trung bình 25 nghìn/kg tại vườn, gia đình tôi thu về trên 25 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục ghép cải tạo thêm cho vườn nhãn.

 

Tham gia dự án từ năm 2009, gia đình ông Đỗ Thành Long, ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng ghép tổng cộng 2,1 nghìn mắt/40 cây nhãn. Đến nay, gia đình ông thu hoạch được 2 tấn quả/năm với giá bán trung bình là 25 nghìn/kg, mỗi năm vườn nhãn mang lại cho gia đình ông doanh thu trên 50 triệu đồng. Ông cho biết: Tôi thấy, cây nhãn ghép cũng không đòi hỏi cao, chỉ cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cần kiểm tra sâu bệnh hại thường xuyên khi mới băt đầu ghép. Cây ghép từ năm thứ 6 trở đi sẽ có bộ khung tán to và cho năng suất cao.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Mai Thị Lan, kỹ sư trồng trọt của Trạm Khuyến nông huyện Đồng Hỷ đánh giá: mô hình ghép cải tạo nhãn ở Đồng Hỷ bước đầu đã cho thành công ngoài mong đợi. Các hộ dân nắm vững kỹ thuật ghép cải tạo và chăm sóc nhãn, nâng cao trình độ thâm canh cây ăn quả, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, 5ha nhãn ghép hiện cho thu hoạch khoảng 14 tấn quả/ha. Chúng tôi dự tính, lãi thuần của 1ha nhãn chín muộn là trên 63 triệu đồng, cao hơn nhãn địa phương là 16 triệu đồng/ha. Như vậy, cây nhãn ghép hoàn toàn có thể trồng trên diện tích lớn để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cũng như tuyên truyền, khuyến cáo người dân ghép cải tạo vườn nhãn kém hiệu quả; phát triền trồng nhãn giống mới có năng suất chất lượng, tạo thành vùng sản xuất nhãn hàng hóa.