Nâng cao năng suất, chất lượng chè trung du

16:30, 05/12/2015

Từ lâu chè trung du được biết đến là loại chè truyền thống, có vị thơm, ngọt hậu, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, do được trồng đã nhiều năm, nên chè trung du dần bị thoái hóa, năng suất và chất lượng thấp khiến nhiều người dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên phá bỏ, chuyển sang trồng các loại chè cành.

Trước thực trạng đó, Sở Khoa học - Công nghệ, Trạm Khuyến nông Thành phố đã xây dựng và triển khai Dự án “Cải tạo nương chè giống trung du năng suất thấp tại vùng chè Tân Cương” nhằm bảo tồn và duy trì giống chè này...

 

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, chè trung du có khả năng chống chịu sâu bệnh cũng như chịu hạn, chịu rét tốt nên ở vụ đông, chè có giá trị kinh tế cao; khả năng sinh trưởng mạnh, độ che phủ lớn, có thể chống xói mòn và rửa trôi, bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, trong y học, chè trung du còn có tác dụng phòng, chữa một số bệnh và ngăn ngừa chất phóng xạ, ung thư... nên việc cải tạo chè trung du là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi tại một số xã trên địa bàn T.P Thái Nguyên thì hiện nay, diện tích chè trung du không còn nhiều (chiếm chưa đến 50% trên tổng diện tích 1.440ha), còn lại chủ yếu là các giống chè cành như: LDP1, TRI777, Bát tiên, Phúc Vân Tiên... Có nhiều nguyên nhân khiến bà con vùng chè Tân Cương chuyển đổi giống chè, nhưng nguyên nhân chủ yếu là hàng năm, giống chè trung du chưa được chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất của chè giảm.

 

Dự án “Cải tạo nương chè giống trung du năng suất thấp tại vùng chè Tân Cương” được triển khai ở 3 xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu trên quy mô 6ha với 23 hộ tham gia. Trước khi triển khai Dự án, cán bộ kỹ thuật đã tiến hành khảo sát, chọn các hộ có diện tích chè trung du phù hợp với yêu cầu của Dự án. Trạm Khuyến nông Thành phố yêu cầu các hộ gia đình có vườn chè trung du cần cải tạo phải tự nguyện, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất chè nhằm tăng năng suất, chất lượng. Đặc biệt, các hộ phải tuyệt đối tuân theo quy trình sản xuất, không sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục gây hại đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi tiến hành cải tạo nương chè, các hộ dân được hỗ trợ 40% giá phân bón, đồng thời cán bộ kỹ thuật cũng thường xuyên bám sát quá trình thực hiện và hướng dẫn kỹ thuật cải tạo, trồng cây cải tạo đất xung quanh vườn chè và sử dụng các loại phân bón phù hợp như: bón thêm các loại phân vi lượng, bón đủ lượng và đúng cách, bổ sung phân bón qua lá... Theo hạch toán sơ bộ, chè trung du sau khi được đầu tư cải tạo, năng suất chè búp khô tăng lên 5kg/sào/lứa; giá bán chè cũng tăng từ 150 lên 200 nghìn đồng/kg (tăng 15-20%) nên bà con rất phấn khởi.

 

Chúng tôi vào nhà ông Lê Quang Liên, ở xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương đúng lúc ông đang cuốc rạch ở giữa những luống chè để chuẩn bị bón phân. Ông Liên cho biết: Gia đình tôi có 6 sào chè thì có 5 sào là chè trung du được trồng cách đây 30 năm. Những năm trước, do chưa biết chăm sóc, thu hái nên búp chè nhỏ, nhiều sâu bệnh. Từ khi tham gia Dự án cải tạo nương chè trung du năng suất thấp, tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật bón phân theo rạch, búp chè lên đều hơn, sâu bệnh giảm hẳn, năng suất chè búp khô đạt 20kg/sào/lứa (tăng 5 kg so với trước), giá bán cũng tăng từ 150 lên 200 nghìn đồng/kg. Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Hiển, ở xóm Hồng Thái I, xã Tân Cương cũng là hộ có tâm huyết với giống chè trung du nhiều năm nay. Bà Hiển nói: Gia đình tôi hiện còn giữ lại 3 sào chè trung du vì nhiều khách uống quen, vẫn đặt mua thường xuyên. Dù các giống chè khác năng suất có cao hơn chè cũ nhưng tôi vẫn muốn bảo tồn giống chè trung du vì nó là đặc sản của vùng chè Tân Cương.

 

Ông Mã Quốc Hùng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thành phố cho biết: Vùng chè Tân Cương được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Vùng chè Tân Cương” năm 2006 cho giống chè trung du lá nhỏ. Do vậy, Dự án là cơ hội để nông dân vùng trồng chè Tân Cương được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc chè trung du nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt là góp phần bảo tồn giống chè trung du vốn là loại chè đầu tiên tạo nên thương hiệu cho chè Tân Cương. Kết quả của Dự án sẽ được chúng tôi tiếp tục nhân rộng trên địa bàn trong những năm  tiếp theo phát triển theo hướng chuyên sâu về chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.