Từ năm 2013 đến nay, tỉnh ta đã triển khai thực hiện 43 đề tài, dự án khoa học - công nghệ (KH-CN) trong lĩnh vực nông nghiệp. Các dự án này đã góp phần chuyển giao công nghệ mới về nông thôn, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận nhân dân trong vùng dự án; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản...
Một trong những dự án nông nghiệp tiêu biểu phải kể đến là Dự án xây dựng mô hình sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng hạt giống lúa trên địa bàn tỉnh. Đây là dự án do Trung tâm Giống cây trồng tỉnh chủ trì thực hiện. Ông Hà Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm cho biết: Thực hiện Dự án này, chúng tôi được đầu tư công nghệ, máy móc nên đã nâng cao được chất lượng hạt giống... Tiếp đó là mô hình ứng dụng giống cà chua chịu nhiệt mới vào sản xuất trái vụ. Qua thực hiện mô hình đã khẳng định việc đưa giống cà chua chịu nhiệt Bio Thăng Long K002 vào sản xuất trái vụ trên địa bàn tỉnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, với năng suất bình quân đạt 740 tạ/ha, lãi thuần thu được 500 triệu đồng/ha (cao hơn 67 triệu đồng/ha so với giống cà chua Cilick đang trồng tại địa phương). Kết quả của mô hình góp phần làm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất gieo trồng, đồng thời làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân địa phương và có khả năng nhân rộng.
Ngoài ra, còn có thể kể đến Dự án ứng dụng KH-CN trong việc ghép cải tạo cây nhãn do Trạm Khuyến nông huyện Đồng Hỷ chủ trì thực hiện tại các xã Hóa Trung, Hóa Thượng (giai đoạn 1, từ năm 2009 đến 2012) và các xã Khe Mo, Hóa Trung, Hợp Tiến, Hòa Bình (giai đoạn 2, từ năm 2013 đến 2015). Thực tế cho thấy, nhãn là loại cây ăn quả mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân trong huyện (Đồng Hỷ hiện có gần 300ha nhãn). Tuy nhiên, do bà con chủ yếu trồng giống nhãn bằng hạt nên chất lượng quả thấp, cùi mỏng, hạt to, năng suất không cao, giá bán thấp. Sau thời gian thực hiện, 1ha nhãn ghép cải tạo được 400 cây, năng suất bình quân 30-40kg/cây tương đương 12-16 tấn/ha, cho thu nhập cao gấp đôi so với giống nhãn cũ. Đặc biệt, thực hiện Dự án, người dân đã cải tạo thành công 2ha nhãn giống địa phương trở thành nhãn chín muộn, giống PHM 99-1.1 (nhãn muộn Hưng Yên). Dự ước lãi thuần 1ha nhãn chín muộn là hơn 60 triệu đồng/ha, cao hơn nhãn địa phương gần 20 triệu đồng/ha. Từ những thành công đó, dự án đã giúp người dân trong vùng Dự án và các địa phương khác trong tỉnh từng bước thay đổi tập quán canh tác, chủ động đầu tư, áp dụng KH-CN vào sản xuất.
Ngoài ra dự án nêu trên, còn rất nhiều dự án nông nghiệp được triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao như ứng dụng KH-CN vào xây dựng mô hình phòng bệnh tai xanh ở lợn; xây dựng mô hình chế biến chè an toàn nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm chè đã được chứng nhận UTZ và xây dựng mô hình điểm trong việc xây dựng thương hiệu chè, chất lượng chè, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên địa bàn xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên)... Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Để được lựa chọn triển khai thực hiện, các dự án KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp cần bảo đảm các tiêu chí như có quy mô lớn, có nhiều đối tượng tham gia; huy động được nhiều nguồn vốn; sản phẩm của dự án phải có tính hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho các đối tượng thụ hưởng kết quả và có sức lan tỏa, có khả năng nhân rộng sau khi dự án kết thúc... Những đòi hỏi này đã giúp các đơn vị chủ trì xây dựng nhiều dự án, đề tài phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, quá trình thực hiện phải nghiêm túc.
Thực tế cho thấy, việc nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án KH-CN trên địa bàn tỉnh những năm qua đã tập trung nghiên cứu, giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp của tỉnh. 3 năm qua, các đề tài, dự án KH-CN phục vụ phát triển nông nghiệp luôn chiếm khoảng 50% số lượng đề tài, dự án được triển khai hàng năm của tỉnh. Đạt được những thành quả đó, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành thì các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã) đã làm tốt vai trò là "cầu nối" để đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Thành công của các dự án KH-CN phục vụ phát triển nông nghiệp đã khẳng định định hướng và sự đổi mới trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN của tỉnh thời gian qua là đúng đắn và mang lại hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai các dự án KH-CN đạt hiệu quả cao hơn, ngành KH-CN sẽ xây dựng nội dung và mục tiêu của dự án bám sát nhu cầu thực tiễn sản xuất; giải quyết những vấn đề bức xúc do thực tiễn sản xuất đặt ra, để khi kết thúc, dự án có sức lan tỏa và nhân rộng cho các địa phương, đơn vị có cùng điều kiện; góp phần nâng cao thu nhập của người dân...