Hiệu quả mô hình xử lý nước thải bằng cây sậy

08:37, 30/03/2016

Xử lý nước thải hoàn toàn dựa vào tự nhiên, không tốn nhiều chi phí đầu tư, bảo dưỡng nhưng lại đạt hiệu quả không thua kém các hệ thống xử lý nước thải khác, đó là ưu điểm của mô hình xử lý nước thải bằng cây sậy. Mô hình này đang được áp dụng tại Bệnh viện Nhân Ái, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước).

Hiện nay, hầu hết khu đất trống nằm cạnh khoa Nội của Bệnh viện Nhân Ái đã được bệnh viện Nhân Ái sử dụng để thực hiện mô hình xử lý nước thải bằng cây sậy. Tại đây, 8 luống sậy, mỗi luống có chiều ngang 8m và chiều dài 23m, công suất xử lý khoảng 150m3 nước thải/ngày. Quan sát tại khu đất, dễ dàng nhận thấy, phía bên trên là những thân sậy cao quá đầu người, còn bên dưới là nước thải đang được xử lý. Đây là một hệ thống xử lý nước thải hoàn toàn dựa vào tự nhiên.

 

Anh Nguyễn Bá Việt, nhân viên vận hành hệ thống xử lý nước thải bằng cây sậy cho biết, nước thải sau khi bơm vào các luống sậy sẽ được xử lý hoàn toàn bằng bộ rễ của cây sậy trong 5 ngày trước khi ra môi trường mà không thông qua bất kì hình thức xử lý hóa học nào khác. Rễ của cây sậy là loại rễ chùm và bộ rễ càng to thì càng xử lý được nhiều nước thải. "Đầu tiên nước thải của toàn bệnh viện sẽ được gom lại, sau đó dùng đường ống dẫn nước thải đến 8 luống sậy. Mỗi luống có một đường ống riêng. Hôm nay bơm vào luống này thì hôm sau bơm luống khác. Đợi bộ rễ của cây sậy xử lý xong, nước sẽ được xả ra môi trường"- anh Việt cho biết.

 

Quan sát đường ống xả thải nước sau khi đã qua xử lý, phóng viên nhận thấy thấy màu nước từ đường ống đã trong và không còn cặn bẩn. Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhân Ái, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm và xác nhận nước thải từ hệ thống xử lý bằng cây sậy hoàn toàn phù hợp với những tiêu chuẩn của nước xả thải ra môi trường.

 

Mô hình xử lý nước thải bằng cây sậy do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư; Bệnh viện Nhân Ái là đơn vị thụ hưởng; mô hình được thực hiện từ năm 2012 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 4 tỷ đồng. Trong thời gian đầu thử nghiệm mô hình, loại cây sậy dùng để xử lý nước thải cùng với tấm nhựa chống thấm bên dưới đều được nhập từ Đức về. Các tấm nhựa chống thấm được trải xuống tất cả các luống đất, sau đó rải một lớp cát phía dưới và bắt đầu trồng cây sậy. Để tiết kiệm chi phí, Bệnh viện Nhân Ái cũng đã trồng thử một loại sậy của Việt Nam. Kết quả cho thấy, mặc dù bộ rễ không phát triển bằng giống sậy nhập từ Đức nhưng vẫn cho hiệu quả xử lý tương đương. Đây là mô hình mới được đánh giá là khá phù hợp với những khu vực có diện tích lớn và nhiều ưu điểm hơn hẳn so với hệ thống xử lý bằng màng lọc đang được ưa chuộng hiện nay.

 

Anh Võ Văn Dũng, Trưởng phòng Hành chính quản trị, Bệnh viện Nhân Ái cho biết, hệ thống xử lý nước thải bằng cây sậy gần như không tốn chi phí vận hành và chi phí bảo dưỡng. Hơn nữa, chất lượng nước xả thải cũng tương đương với hệ thống xử lý bằng màng lọc của Nhật. Trong khi đầu tư hệ thống xử lý bằng màng lọc đòi hỏi 6 tỷ đồng thì hệ thống này chỉ tốn khoảng 4 tỷ đồng.

 

Cũng theo anh Dũng, tấm nhựa chống thấm lót bên dưới các luống sậy có độ bền từ 15 – 20 năm. Còn cây sậy sinh trưởng và phát triển theo chu kì, cây này chết đi lại có cây mới sinh ra nên không tốn kém chi phí trồng mới. Chi phí tốn kém duy nhất là vận hành máy bơm để bơm nước thải vào các luống sậy.

 

Bệnh viện Nhân Ái hiện có trên 300 bệnh nhân đang điều trị. Do đó, xử lý nước thải bệnh viện là một trong những khâu quan trọng trong giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh tác động xấu của chất thải y tế, nước thải bệnh viện đối với môi trường và cuộc sống con người. Sau khi được áp dụng thành công tại Bệnh viện Nhân Ái, hiệu quả của mô hình này góp phần mở ra nhiều hướng mới trong quy trình xử lý nước thải tại nhiều bệnh viện./.