“Vắc-xin nhược độc đông khô phòng bệnh cho lợn” được trao giải Nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13

16:22, 30/03/2016

“Vắc-xin nhược độc đông khô phòng bệnh tụ huyết trùng-đóng dấu ở lợn” do nhóm tiến sĩ Nguyễn Đức Tân, Võ Thành Thìn thuộc Phân viện thú y miền Trung đồng Chủ nhiệm , giành được giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 năm 2015.

Vắc-xin này đã được chuyển giao cho Phân viện thú y miền Trung sản xuất và lưu hành tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa… với hơn 1,2 triệu liều, mang lại lợi nhuận 1,15 tỷ đồng.

 

Theo t iến sĩ Nguyễn Đức Tân, vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu lợn là vắc-xin kép nhược độc. Vì thế, đáp ứng miễn dịch của lợn đối với vi khuẩn tụ huyết trùng và đóng dấu lợn có trong vắc-xin nhanh, mạnh và kéo dài.

 

Đây là "vắc-xin kép", một mũi tiêm phòng đồng thời 2 bệnh, vì vậy, khi sử dụng vắc-xin để tiêm phòng cho lợn sẽ giảm được chi phí tiêm phòng, công bắt giữ gia súc và giảm stress cho lợn. Vắc-xin được sản xuất dưới dạng đông khô, mỗi lọ chứa 10, 20 và 50 liều, dễ vận chuyển và phù hợp với tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ tại các địa phương. Đặc biệt, vắc-xin kép tụ huyết trùng - đóng dấu lợn có thể kết hợp với vắc-xin dịch tả lợn để trong một mũi tiêm có thể phòng đồng thời 3 bệnh đỏ nguy hiểm ở lợn.

 

Bệnh tụ huyết trùng và bệnh đóng dấu lợn là 2 bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở lợn từ 2-4 tháng tuổi. Tỷ lệ lợn mắc bệnh và chết thường rất cao, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là sử dụng vắc-xin.

 

Trên thị trường Việt Nam đang lưu hành 2 loại vắc-xin phòng hai bệnh này cho lợn. Tuy nhiên, do đây là hai vắc-xin đơn chủng, được sản xuất dưới dạng vắc-xin chết nên có những hạn chế nhất định. Vắc-xin được sản xuất dưới dạng nhược độc đông khô của nhóm tác giả đã khắc phục được các nhược điểm của vắc-xin đang lưu hành. Với tốc độ phát triển chăn nuôi như hiện nay thì ngày càng tăng nhu cầu sử dụng hai loại vắc-xin này nên khả năng thâm nhập thị trường của sản phẩm là lớn, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn sản xuất và người chăn nuôi bởi với mỗi liều vắc-xin kép này sẽ giảm được 50% chi phí tiêm phòng bệnh./.