Trong tổng số 379 đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) được triển khai trong 10 năm qua từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh thì số đề tài, dự án phục vụ lĩnh vực nông nghiệp chiếm cao nhất (50,92%), với 193 đề tài, dự án. Thông qua việc đưa kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của nhiều loại cây trồng, vật nuôi và cung cấp một số luận chứng khoa học cho việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 2005-2015, từ nguồn sự nghiệp KH&CN của tỉnh đã thực hiện 379 đề tài, dự án, với tổng kinh phí trên 160,5 tỷ đồng. Ngoài ra, từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi do Trung ương quản lý, 10 năm qua trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 17 dự án với tổng kinh phí trên 81 tỷ đồng. |
Theo đánh giá của lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở KH&CN, những năm qua, số lượng các đề tài, dự án được triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không chỉ nhiều mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt nhất. Các đề tài, dự án KH&CN này đã tạo mô hình chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển giao những công nghệ mới nhất về nông thôn, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận nhân dân trong vùng dự án. Đặc biệt, từ việc tham gia thực hiện các mô hình đã bước đầu thay đổi được tập quán sản xuất của nông dân.
Từ thực tế cho thấy có tới trên 90% các dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN phát huy tốt hiệu quả. Tiêu biểu là Dự án “Xây dựng mô hình trồng thâm canh một số giống chè mới theo VietGAP tại Thái Nguyên” do Trung tâm nghiên cứu phát triển chè - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc thực hiện được đánh giá xếp loại xuất sắc. Mô hình chè trên 3 năm tuổi có tỷ lệ sống trên 90%, năng suất nương chè đạt 2,5-3,0 tấn/ha, nguyên liệu búp đạt tiêu chuẩn an toàn theo VietGAP. Kết quả khảo nghiệm cho thấy cả 3 giống chè đều thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa bàn, các giống PH8, PH9 cho năng suất cao hơn. Dự án đã đưa được 3 giống chè có năng suất cao, chất lượng tốt và tạo ra sản phẩm chè an toàn theo VietGAP, phát huy được thế mạnh của chè Thái Nguyên, tăng được giá trị thu nhập cho người làm chè. Dự án tạo cơ sở cho việc mở rộng mô hình ra các vùng chè khác có điều kiện tương tự.
Tiếp đến là mô hình trồng một số giống lúa đặc sản mới có giá trị kinh tế cao như giống SH4, HT6, HT9, HT1, SH8. Qua thực hiện năng suất các giống đưa vào triển khai đều đạt từ 62-63 tạ/ha, tăng hơn so với các giống cũ từ 5 đến 10%. Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ trong ghép cải tạo cây nhãn huyện Đồng Hỷ” đã xây dựng và chuyển giao quy trình ghép cải tạo cây nhãn cho nhân dân 4 xã Khe Mo, Hóa Trung, Hợp Tiến và Hòa Bình có diện tích cây ăn quả lớn trên địa bàn huyện. Sau một thời gian triển khai thực hiện, 1ha nhãn ghép cải tạo được 400 cây, năng suất bình quân 30-40kg/cây tương đương 12-16 tấn/ha. Lãi thuần 1ha nhãn chín muộn là hơn 60 triệu đồng cao hơn nhãn địa phương gần 20 triệu đồng/1ha. Gia đình anh Đặng Quang Tân, xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng một trong những hộ hưởng lợi từ Dự án cho biết: “Nhà tôi trồng trên 500 gốc nhãn lồng Hưng Yên. Cây lâu năm nhất cũng được hơn 13 năm tuổi, cây ít nhất 5 năm. Những năm đầu mới được thu hoạch quả to đều, rất ngọt, nhưng càng ngày tỷ lệ quả đậu càng kém, hạt to, cùi mỏng. Khi tham gia Dự án, gia đình tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ghép cải tạo vườn nhãn, tôi thấy khả năng sinh trưởng của cây khỏe, tán có dạng hình cầu, lá màu xanh sẫm. Đặc biệt là tỷ lệ đậu quả nhiều hơn so với trước khi ghép, độ đồng đều của quả trên chùm cao. 500 gốc nhãn của gia đình đều ghép giống HC04 (giống nhãn chín muộn) nên giá bán cũng tăng từ 5 đến 8 nghìn đồng/kg so với những giống chín sớm”.
Là người nhiều năm cộng tác thực hiện chuyển giao các tiến bộ KH&CN trên lĩnh vực nông nghiệp với tỉnh, Thạc sĩ Đoàn Văn Cảnh, Trưởng bộ môn Cây thực phẩm, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho chúng tôi biết thêm: “Là người làm khoa học, chúng tôi rất mừng là thông qua cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh (Sở KH&CN), các địa phương đã chủ động gặp chúng tôi để cùng tìm hiểu những loại cây trồng gì phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng để triển khai mô hình, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho nhân dân. Trong những năm qua, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã hợp tác chuyển giao khá nhiều các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh như: các loại hoa, khoai tây, bí xanh, cây ổi, các giống lúa mới… Chúng tôi đã xác định được chủng loại cây trồng và các giống hoa phù hợp với điều kiện địa phương, cũng như thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài giá trị kinh tế mang lại, qua thực hiện các mô hình đã đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật và nông dân có trình độ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít hạn chế, đó là số lượng đề tài hằng năm nhiều, kinh phí, quy mô triển khai còn hạn chế. Một số đề tài, dự án sau khi được nghiệm thu tính nhân rộng chưa cao. Còn ít các đề tài “đặt hàng” của tỉnh cho hoạt động KH&CN… Vì thế, với vai trò là cơ quan tham mưu, quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, thời gian tới Sở KH&CN cần tiếp tục đổi mới toàn diện cơ chế quản lý, hoạt động KH&CN. Tăng cường tiềm lực và phát triển các tổ chức KH&CN cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, các hoạt động KH&CN cần tập trung khai thác lợi thế, đặc thù của từng địa phương để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đồng thời quan tâm đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, hàng hóa của địa phương để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Một vấn đề quan trọng là phát triển thị trường KH&CN để đưa các đề tài nghiên cứu khoa học vào cuộc sống.