Nâng tầm thương hiệu sản phẩm thế mạnh của địa phương

18:16, 25/04/2016

Như thông tin chúng tôi đã đưa, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ vừa cấp Văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Đây là nhãn hiệu tập thể đầu tiên của tỉnh được đăng ký thành công tại nước ngoài. Kết quả trên mở ra nhiều cơ hội để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm chè Thái Nguyên, tạo những cơ hội và lợi ích ngày càng lớn hơn cho doanh nghiệp, đồng thời tránh được tranh chấp về thương hiệu tại các thị trường nước ngoài.

Nếu như năm 2006, toàn tỉnh chỉ có 22 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và có 10 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được cấp, thì đến năm 2015 đã tăng lên 102 đơn đăng ký và 30 văn bằng được cấp. Trong giai đoạn 2006-2015 đã có 490 đơn đăng ký và 243 văn bằng được cấp.

Được biết, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã làm các thủ tục trình Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) thuộc Bộ KH&CN để tiếp tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại Trung Quốc và Đài Loan. Đây là thị trường trọng tâm trong chiến lược xuất khẩu sản phẩm chè của tỉnh ta những năm tiếp theo. Việc mở rộng đăng ký bảo hộ sản phẩm thế mạnh của địa phương ra thị trường nước ngoài - trong đó có sản phẩm chè - tạo điều kiện rất thuận lợi để sản phẩm được “nâng tầm thương hiệu - chắp cánh bay xa”. Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở KH&CN) cho biết thêm: SHTT đang trở thành mối quan tâm chung của cả thế giới và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các quốc gia.

 

Tại Thái Nguyên, SHTT là một lĩnh vực mới được hình thành sau khi Luật SHTT có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-2006) nhưng đã phát triển tương đối mạnh mẽ. Với vai trò là cơ quan chủ trì các hoạt động quản lý Nhà nước về SHTT, trong giai đoạn vừa qua, Sở KH&CN đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nhiều văn bản, chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ... nhằm quản lý và thúc đẩy hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2006-2015, Sở KH&CN đã tham mưu với UBND tỉnh cho tổ chức thực hiện 1 chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) của doanh nghiệp giai đoạn 2008-2010; 5 đề tài nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động SHTT; 5 dự án và 21 nhiệm vụ hỗ trợ việc tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển TSTT đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh và 4 dự án tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT. Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và phối hợp với nhiều cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT. Những hoạt động này có tác động rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về SHTT…

 

Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT, nhiều tập thể, doanh nghiệp đã tiếp cận với phòng chuyên môn của Sở và được tư vấn, hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa. Điều này cho thấy nhận thức về vai trò quan trọng của việc xác lập quyền SHTT đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng cao. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty CP An An, Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Công ty của chúng tôi chuyên kinh doanh các loại máy, vật tư ngành chè. Với sự phát triển mạnh của nền kinh tế thị trường như hiện nay, việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết và quan trọng để tạo ra sự cạnh tranh bền vững với các thương hiệu khác trong cùng lĩnh vực. Một trong các yếu tố làm nên thương hiệu của một doanh nghiệp chính là nhãn hiệu, logo của doanh nghiệp. Vì thế, Công ty đặc biệt chú trọng đến việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bởi nó là cơ sở để doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình, thông qua sẽ xác lập được quyền sở hữu đối với thương hiệu của doanh nghiệp. Đến nay, Công ty đã có 4 nhãn hiệu, sản phẩm được đăng ký bảo hộ là: Hoa cây cảnh, Máy hút chân không, An An trà và thương hiệu của Công ty. Đây là căn cứ để chống lại những hành vi xâm phạm tới quyền sử dụng nhãn hiệu…

 

Đặc biệt, có rất nhiều đặc sản có giá trị kinh tế cao, là các sản phẩm nông sản gắn liền với tên địa danh được Sở KH&CN tập trung phối hợp với các ngành, địa phương để tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển TSTT đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 17 sản phẩm đặc sản của địa phương được bảo hộ quyền SHTT. Trong đó có: 1 chỉ dẫn địa lý, 14 nhãn hiệu tập thể và 2 nhãn hiệu chứng nhận như: Nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên”, “Bưởi Tiên Hội”, “nấm Thái Nguyên”, “lúa nếp Vải Phú Lương”, “Gạo Bao thai Định Hóa”, “Miến Việt Cường”, “Gà đồi Phú Bình”, chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”... Thông qua việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

 

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng hoạt động SHTT trong giai đoạn vừa qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Các cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về SHTT còn mỏng, lại kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác nhau; chưa xây dựng được cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với hoạt động SHTT của tỉnh nên không khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động SHTT. Các nội dung về sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài... chưa được quan tâm đúng mức. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Sở KH & CN sẽ làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về SHTT tại tỉnh; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về SHTT; tập trung đào tạo chuyên sâu, nâng cao năng lực của cán bộ quản lý về SHTT nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội...