Năng lượng tái tạo - tương lai phát triển ngành điện Việt Nam

15:20, 24/05/2016

Ngày 24/5, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổng Cục Năng lượng phối hợp tổ chức Hội thảo về phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và tái tạo, Tổng Cục Năng lượng Phạm Trọng Thực cho biết: Chiến lược Phát triển Năng lượng Tái tạo tại Việt Nam trong đó mục tiêu chung của chiến lược năng lượng tái tạo là giảm 25% phát thải khí nhà kính của Việt Nam, phần lớn các hộ gia đình sẽ được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng đáng tin cậy, bền vững và hiện đại với giá cả phải chăng vào năm 2030.

 

Một trong những trọng tâm của chiến lược năng lượng tái tạo là ưu tiên các công nghệ đã được công nhận trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm thuỷ điện, năng lượng gió, mặt trời, năng lượng sinh khối và khí sinh học. “Chiến lược này nhằm khuyến khích và huy động mọi nguồn lực từ xã hội, phát triển năng lượng tái tạo với giá hợp lý để tăng dần thị phần năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng quốc gia. Điều này sẽ giúp giảm phụ thuộc vào các nguồn hoá thạch và góp phần cải thiện an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội bền vững”-ông Thực nhận định.

 

Ông Bakhodir burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia Liên hợp quốc cho rằng, chiến lược Phát triển Năng lượng Tái tạo Quốc gia là bước đi then chốt đúng hướng. Chiến lược này phản ánh cam kết phát triển ít các-bon và Đóng góp Dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam đối với Công ước Khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Chiến lược cũng hỗ trợ thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã cùng với hơn 175 nước ký kết tại trụ sở Liên hợp quốc tháng trước.

 

Hướng tới thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, nhất là mục tiêu thứ 7 - tăng khả năng tiếp cận năng lượng cho tất cả mọi người thông qua tăng cường năng lượng tái tạo và hiệu suất năng lượng, chiến lược quốc gia của Việt Nam đi theo đúng hướng phát triển bền vững, vì dân và do dân.

 

Ông Bakhodir burkhanov khẳng định: “Trên thế giới, kỹ thuật và tài chính năng lượng tái tạo đang thay đổi tích cực và nhanh chóng, Việt Nam cần tiếp cận và tận dụng những đổi thay này. Việt Nam cần có chính sách và hướng dẫn cụ thể nhằm khuyến khích việc áp dụng giao thông điện, túi ủ khí sinh học và lắp đặt các tấm quang điện mặt trời trên nóc nhà, như ở Tòa nhà Xanh- Một Liên hợp quốc với chi phí sử dụng điện giảm đáng kể nhưng lại góp phần bảo vệ môi trường.”

 

Tại Hội thảo, các đại biểu và các nhà khoa học đã trình bày về chương trình phát triển năng lượng gió ở Việt Nam; nghiên cứu mới về “Xanh hoá nguồn năng điện hỗn hợp: Chính sách Mở rộng Quang điện mặt trời ở Việt Nam”, đó là lợi thế của quang điện mặt trời và khuyến nghị các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng. Nghiên cứu cho thấy quang điện mặt trời có rất ít tác động tiêu cực đối với môi trường, sức khoẻ và sinh kế trong khi phát điện từ năng lượng mặt trời có thể giúp các cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng như các doanh nghiệp lớn và nhỏ cải thiện việc cung cấp điện và giảm hóa đơn tiền điện. Thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn và cần có chính sách đúng đắn để thực hiện những cam kết và tối ưu hoá lợi ích từ năng lượng tái tạo./.