Phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam

08:51, 07/05/2016

Công nghệ vũ trụ được đánh giá là biểu tượng sức mạnh công nghệ và khả năng cạnh tranh công nghệ cao của mỗi quốc gia trên thế giới. Công nghệ vũ trụ tích hợp nhiều ngành công nghệ khác nhau tạo ra lợi ích kinh tế lớn và thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ khác thông qua hiệu ứng lan tỏa.  

Đối với Việt Nam, công nghệ vũ trụ đem lại những lợi ích thiết thực cho kinh tế - xã hội như phòng chống và giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu, quản lý và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên biển, phát triển nông nghiệp, thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông và truyền hình qua vệ tinh, các ứng dụng định vị vệ tinh...Bên cạnh đó, phát triển công nghệ vũ trụ còn nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên không gian của đất nước.

 

Theo Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt, tầm quan trọng của công nghệ vũ trụ trong sự phát triển của đất nước đã được khẳng định với những quan điểm rõ ràng, trong đó nhấn mạnh: “Công nghệ vũ trụ phục vụ thiết thực và có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế và xã hội, quản lý tài nguyên, giám sát môi trường và thiên tai cũng như nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế quốc tế, tiềm lực khoa học công nghệ và sức mạnh của đất nước”.

 

Mục tiêu của Chiến lược này là đưa ngành phát triển vũ trụ Việt Nam đạt trình độ trung bình khá trong khu vực với các nhiệm vụ chính như: Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ; xây dựng cơ sở hạ tầng cho công nghệ vũ trụ; nghiên cứu khao học và công nghệ vũ trụ; ứng dụng công nghệ vũ trụ.

 

Từ mục tiêu trên, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được thành lập. Đơn vị chính là đầu mối quản lý, thực hiện và tiếp nhận dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam, một trong những dự án khoa học công nghệ lớn nhất từ trước đến nay được Chính phủ đầu tư từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản.

 

Với nhiệm vụ xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và công nghệ cho ngành vũ trụ, đơn vị đã thực hiện các bước triển khai xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, một cơ sở hiện đại hàng đầu Đông Nam Á, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ vũ trụ ở Việt Nam. Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cũng thực hiện các bước chuyển giao công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất sử dụng công nghệ cảm biến radar có độ phân giải cao, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ứng dụng trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, đơn vị còn phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng công nghệ tiên tiến chuyển giao từ Nhật Bản để có thể tự phát triển vệ tinh nhỏ quan sát trái đất tại Việt Nam. Các nhà khoa học của Trung tâm đã nghiên cứu, chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon với thời gian hoạt động hơn 3 tháng trên quỹ đạo. Việc chế tạo thành công vệ tinh này đã đánh dấu thành công bước đầu trong lộ trình phát triển vệ tinh của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia. Mới đây nhất, đầu tháng 4/2016, các chuyên gia của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã thử nghiệm thành công hệ thống cân bằng nhiệt trong buồng chân không của vệ tinh MicroDragon. Đây là vệ tinh 50 kg đầu tiên được phát triển bởi các kỹ sư của đơn vị. Theo kế hoạch, vệ tinh MicroDragon sẽ được phóng vào quý I năm 2018 bằng tên lửa EPSILON của Nhật Bản.

 

Về đào tạo, tính đến nay, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã có 117 cán bộ với độ tuổi trung bình trên 30 tuổi. Trong số này, có rất nhiều cán bộ được Trung tâm cử đi học tại các trường đại học uy tín của Nhật Bản như Đại học Tokyo, Đại học Tohoku, Đại học Hokkaido, Đại học Keio và Học viện Công nghệ Kyushu.

 

Lộ trình phát triển của ngành vũ trụ Việt Nam cũng đã được vạch sẵn. Theo đó, trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (2018); hoàn thành Trung tâm ứng dụng Công nghệ vũ trụ tại Thành phố Hồ Chí Minh (2020); Trung tâm phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ vũ trụ tại Hà Nội (2016) và Đài thiên văn Nha Trang (2017).

 

Cùng với đó, Trung tâm cũng tiếp nhận, chuyển giao công nghệ hai vệ tinh nhỏ quan sát trái đất sử dụng công nghệ cảm biến radar có độ phân giải cao, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, trong đó vệ tinh thứ hai sẽ được lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Các vệ tinh này sẽ hỗ trợ gairm thiểu thiên tai và biến đổi khí hậu, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ lợi ích kinh tế- xã hội và môi trường của Việt Nam trên biển và trên không gian.

 

Với tầm nhìn đến 2045, Việt Nam sẽ tập trung năng lực làm chủ hoàn toàn công nghệ vệ tinh và phát triển các ứng dụng công nghệ vệ tinh phục vụ hiệu quả cho kinh tế - xã hội. Đơn vị này đã thiết lập những mốc định hướng quan trọng. Theo đó, năm 2021, ngành vũ trụ Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, ứng dụng vệ tinh định vị toàn cầu; năm 2025, chế tạo vệ tinh tại Việt Nam, tham gia nghiên cứu khoa học trên trạm vũ trụ quốc tế. Năm 2030, ngành phát triển chùm vệ tinh quan sát trái đất, tự thiết kế một số thành phần của vệ tinh, tiếp cận công nghệ tên lửa đẩy; năm 2040, thử nghiệm, làm chủ công nghệ tên lửa đẩy, bắt đầu xây dựng các trạm phóng tên lửa ở Việt Nam; năm 2045, phóng vệ tinh quan sát trái đất bằng tên lửa đẩy của Việt Nam.