Ở Thái Nguyên nói chung và huyện Đại Từ nói riêng, tại các khu dân cư, nhất là ở nông thôn, hầu như chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt. Phần lớn nước thải của các hộ dân không được xử lý mà đổ trực tiếp ra môi trường qua hệ thống các cống rãnh thoát nước dọc theo đường làng, ngõ xóm, sau đó ra các kênh mương, ao, hồ và cuối cùng xuống các sông, suối trong khu vực. Hậu quả, các chất ô nhiễm được tích tụ lâu ngày làm cho môi trường trở nên dơ bẩn, nước ở các kênh, mương, ao hồ bị đổi màu do nhiễm bẩn, bốc mùi khó chịu vừa làm mất cảnh quan vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Từ những vấn đề bất cập nêu trên cho thấy công tác xử lý nước thải sinh hoạt tại các địa phương là hết sức cần thiết.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình xử lý nước thải quy mô hộ gia đình tại huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên” đã đánh giá kỹ thực trạng và đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này. Qua 3 năm thực hiện, chúng tôi đánh giá đây là một đề tài khoa học sát với thực tế và có khả năng nhân rộng rất cao, được đánh giá xếp loại xuất sắc. Đó là chia sẻ của Th.s Tạ Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý Khoa học.
Trao đổi cùng chúng tôi, TS Lê Đồng Tấn, Trung tâm phát triển công nghệ cao, Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam - Chủ nhiệm Đề tài cho biết thêm: Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã khảo sát, nghiên cứu chính tại 7 xã nằm trên vùng thượng nguồn của hồ Núi Cốc là: Bản Ngoại, Mỹ Yên, An Khánh, Cù Vân, Yên Lãng, Khôi Kỳ, và xã Bình Thuận (Đại Từ) để điều tra nghiên cứu về hiện trạng và mức độ ô nhiễm của nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình. Phương pháp điều tra, thu thập thông tin bằng phiếu và thu mẫu nước ngẫu nhiên 3 hộ để làm mẫu phân tích. Qua khảo sát thì có tới 284/315 hộ của 7 xã trên, chiếm 90,16% dùng nước giếng (giếng đào và giếng khoan), chỉ có 46/315 hộ chiếm 14,60% dùng nước máy. Hiện trạng về nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, lưu lượng nước thải dao động từ 180 - 190 lít/người/ngày đêm, tương đương 720 - 760 lít/ hộ/ngày đêm. Có 10,48 % số hộ có biện pháp xử lý nước thải sinh hoạt (chủ yếu qua bể phốt), còn lại 89,52% số hộ không có bất kỳ biện pháp xử lý nào. Trong số các hộ không có biện pháp xử lý, số hộ thải nước trực tiếp ra cống rãnh dọc hai bên đường làng ngõ xóm là 31,75%, số hộ thải nước ra khu vực đất vườn nhà, thường là xung quanh nơi sinh hoạt như giếng nước, chậu rửa là 57,78%. Mức độ ô nhiễm của nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình ở huyện Đại Từ cho thấy trừ pH, còn lại 6 chỉ tiêu phân tích đều có giá trị vượt QCVN 14:2008/BTNMT đó là tổng chất rắng lơ lửng (TSS), các chất dinh dưỡng như Phốt pho (P), Ni tơ (N), vi sinh vật (Coliforrm)… Nếu tính riêng cho từng hộ gia đình thì lượng chất gây ô nhiễm môi trường không lớn, nhưng nếu tổng hợp cho cả huyện thì đây là một con số đáng báo động.
Được biết để xử lý nước thải sinh hoạt ra môi trường đảm bảo các yếu tố giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, Ban Chủ nhiệm dự án đã xây dựng quy trình xử lý nước thải sinh hoạt. Quy trình xử lý qua 5 bước: (1) nước thải bao gồm nước thải sinh hoạt và nước từ các công trình vệ sinh được thu gom đưa vào bể lắng (2), sau đó được dẫn sang bể xử lý sinh học (3). Trong bể xử lý vi sinh vật sẽ sử dụng chế phẩm vi sinh vật để phân giải các chất hữu cơ. Sau đó được chuyển sang bãi lọc thực vật (4) để xử lý các chất gây ô nhiễm còn lại trong nước thải sau khi xử lý bằng vi sinh vật. Cuối cùng nước thải ra đã được làm sạch và đổ ra môi trường. Là 1 trong 2 hộ được chọn thực hiện mô hình, ông Lương Xuân Khôi ở xóm Đức Long, xã Khôi Kỳ cho biết thêm: Trước đây nước thải của gia đình tôi trực tiếp đổ ra hệ thống cống rãnh chung và vườn nhà. Khi thực hiện mô hình này, dự án đã đầu tư xây dựng bể gom, bể lắng, xử lý sinh học, bãi lọc thực vật và sau cùng là nước sau xử lý. Nước sau xử lý đảm bảo đạt mức B-QCVN 14:2008/BTNMT sẽ được xả vào môi trường tiếp nhận. Môi trường tiếp nhận là các hệ thống cống rãnh trong thôn, các hệ thống ao hồ và sông suối không dùng nước để ăn mà chỉ dùng cho thủy lợi. Sau hơn 2 năm thực hiện, hệ thống bể hoạt động ổn định. Nước thải ra môi trường theo quan sát của tôi khá trong, không có mùi như trước. Theo chuyển giao kỹ thuật của Ban quản lý dự án các gia đình tự đầu tư xây dựng thì mất khoảng 7,5 đến 8 triệu đồng (gồm tiền vật liệu và tiền công). Với số tiền trên, tôi nghĩ nhiều gia đình có đủ khả năng làm được. Kết quả điều tra của Dự án đối với các hộ trong vùng nghiên cứu cho thấy, có đến 80% hộ gia đình có mong muốn xây dựng hệ thống, vì giá trị môi trường.
Như kết quả phân tích và tính toán của Dự án cho thấy khối lượng chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt gia đình thải ra ở huyện Đại Từ hàng năm là rất lớn. Cụ thể, lượng BOD5 là 1.249.597,90 tấn/năm, TSS là 1.855.907.185 tấn/năm, H2S là 46.847.72138 tấn/năm, Nitơ là 361.551,62 tấn/năm và Phốt pho là 177.522,49 tấn/năm. Nếu không được xử lý thì đây là một nguồn phát thải nguy hiểm cho môi trường. Bởi Đại Từ ở vùng đầu nguồn của nhiều con sông, suối, đầu nguồn của hồ Núi Cốc - nơi cung cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất cho T.P Thái Nguyên và các vùng phụ cận. Mô hình này được nhân rộng sẽ có tác động mạnh làm cho môi trường sạch hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, môi trường ở khu vực nông thôn, nhất là ở một số khu vực quan trọng như môi trường nước trên các thủy vực như sông suối, hồ Núi Cốc được bảo vệ an toàn, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.