Hơn 880 loài động thực vật ở Việt Nam đang bị đe dọa

16:32, 04/06/2016

Việt Nam xếp thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) phong phú nhất thế giới với hơn 49.200 loài động thực vật. Tuy nhiên đến nay, 882 loài động thực vật đang bị đe dọa ở nhiều cấp độ và được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam” diễn ra sáng 4-6 tại Lào Cai, một hoạt động trong “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới.

 

Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, ĐDSH là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu; đồng thời tạo nên các cảnh quan thiên nhiên và là cội nguồn của nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam; các hệ sinh thái còn có ý nghĩa bảo vệ tài nguyên đất và nước, điều hòa khí hậu, giảm nhẹ tác hại do ô nhiễm và thiên tai.

 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cụ thể ở đây là hội cựu chiến binh, trong các hoạt động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, khuyến khích người dân và toàn xã hội tham gia bảo vệ các loài động vật hoang dã (ĐVHD), không sử dụng, tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD trái phép.

 

“Hội thảo ngày hôm nay một lần nữa khẳng định vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, gìn giữ đa dạng sinh học của Việt Nam, hướng tới việc khai thác, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia xanh, môi trường xanh đến bạn bè quốc tế”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết.

 

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp cụ thể như: Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan nhằm lồng ghép, lan tỏa thông điệp về bảo tồn ĐDSH và bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm; Xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền về bảo tồn ĐDSH và bảo vệ ĐVHD, khuyến khích cộng đồng không buôn bán, sử dụng các sản phẩm từ các loài ĐVHD nguy cấp; Giới thiệu các mô hình về bảo vệ môi trường, bản tổn và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái mang tính bản địa của các địa phương.