Khi thầy làm "thợ"

18:03, 17/06/2016

Đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng - chuyển giao là bốn nhiệm vụ cần và đủ để thực hiện tốt chương trình hành động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của mỗi giảng viên Chi bộ Khoa Điện tử (Đảng bộ Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên). Ngay sau khi sản phẩm “Điều khiển và giám sát hoạt động trạm truyền dẫn tiếp sóng (BTS) viễn thông” của giảng viên trẻ Bạch Văn Nam cùng các cộng sự đoạt giải Nhì, Giải thưởng sáng tạo trẻ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIII năm 2016, thầy trò Khoa Điện tử và Trung tâm Sáng tạo sản phẩm của Trường lại bắt tay vào nhiệm vụ mới - Vừa làm thầy vừa làm thợ chuyển giao sản phẩm theo đơn đặt hàng.

“Thợ -  thầy” hai trong một

 

Khẩu hiệu “Kỹ sư Việt Nam phải tạo ra được sản phẩm công nghệ của người Việt Nam” được đặt ở vị trí trang trọng ngay phía trước cổng Trường, như nhắc nhở mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên luôn phải tự biết vượt qua chính bản thân để học tập, nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng những tri thức cơ bản nhất của khoa học, kỹ thuật phục vụ cho đời sống, nhu cầu xã hội. Tiếp chúng tôi tại Văn phòng Đoàn Thanh niên, thầy giáo trẻ Bạch Văn Nam, Khoa Điện tử, tác giả Đề tài khoa học “Điều khiển và giám sát hoạt động trạm BTS viễn thông”, dường như không rời chiếc điện thoại cảm ứng (smart phone). Thầy Nam giải thích: “Tất cả các tham số, các dữ liệu về tình trạng hoạt động của các trạm điều khiển, giám sát hoạt động của trạm BTS viễn thông và hệ thống điều khiển nước tưới cây trong Nhà trường đều được báo trên điện thoại. Căn cứ vào các thông báo cài đặt tự động, chúng tôi có thể chọn các lệnh điều khiển ngay trên máy điện thoại, hoặc cho giải pháp bảo dưỡng, sửa chữa…”.

 

Thầy Nam vào chuyện: Ngay từ khi phát động chương trình hành động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, các giảng viên, đoàn viên thanh niên chúng tôi luôn đau đáu tâm niệm, cần phải làm ra một sản phẩm gì đó thiết thực phục vụ đời sống xã hội. Xuất phát từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khoa học: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân… và lý luận phải đi đôi thực tiễn, lý luận mà không có thực tiễn chỉ là lý thuyết suông”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu cũng như Chi ủy và Đoàn Thanh niên đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, đó là đào tạo phải gắn với thực tế và phải tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi xác định, muốn làm thầy thì phải biết làm thợ, nói được thì phải biết làm. Và công việc được “lập trình”: Sáng giảng đường, chiều nghiên cứu kết hợp thực hành, tối đọc tài liệu… Xưởng thực hành, Trung tâm Sáng tạo trở thành điểm hẹn của các “thợ” thầy, mỗi chuyên ngành phụ trợ cho nhau những kiến thức, kỹ năng tạo sản phẩm. Tất cả đều bình đẳng, thẳng thắng trao đổi, tranh luận cùng tìm ra cách giải quyết hiệu quả nhất để tạo ra một sản phẩm.  

 

Làm ra bốn trong một

 

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 2.000 trạm BTS phục vụ chuyển phát cơ bản, kết nối, truyền dẫn thông tin trong hoạt động viễn thông. Thông thường, cứ 2-3 trạm có một người trực xử lý sự cố, nhất là khi mất điện, để họ khởi động máy nổ bằng máy phát điện tại chỗ cho thông tin không bị gián đoạn kéo dài. Trạm BTS thường đặt ở vị trí cao, hoặc địa hình đồi núi phức tạp và cách nhau 2-3km. Mỗi khi xảy ra mất điện, sự cố, lập tức người trực phải có mặt xử lý hoặc báo kỹ thuật viên đến giúp. Để chế tạo ra một thiết bị tự động giám sát hoạt động các máy móc của trạm và điều khiển hoạt động từ xa khi có sự cố thì bắt buộc các kỹ sư phải thực hiện công việc khảo sát, thực địa và thu thập các tham số của môi trường lắp đặt thiết bị. Ngay sau khi hoàn thiện lý thuyết, các kỹ sư Phạm Trung Sơn, Lê Thế Hợp cùng thầy giáo Bạch Văn Nam luân phiên đến “nằm vùng” tại các trạm BTS để thu thập số liệu. Theo thầy Nam, khó khăn nhất là tìm ra những tham số chung nhất giữa các thành viên trong nhóm, bởi vì, mỗi địa phương sử dụng các linh kiện, phụ kiện khác nhau, địa hình, khí hậu, lượng điện năng được cấp, cắt khác nhau… Bên cạnh đó, những kỹ năng vận hành, quản lý, sử dụng thiết bị của người quản lý tram BTS cũng khác nhau. Sau gần 4 tháng cả thầy và trò Khoa Điện tử “ba cùng” với nhân viên các trạm BTS tại các huyện miền núi, vùng cao, nhóm tác giả đã đưa ra được những thuật toán chuẩn và các nguyên lý cơ bản. Tháng 8-2015, sản phẩm đầu tiên được thử nghiệm tại phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên trong sự hồi hộp của cả thầy và trò.

 

Ngay sau khi nhận được Giải thưởng Sáng tạo trẻ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIII năm 2016, những người thầy, người thợ ấy trở thành nhà sản xuất, nhà kinh doanh khi đích thân Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone miền Bắc tìm đến “đặt hàng”. Riêng năm 2016, Mobifone miền Bắc “đặt hàng” sản xuất trên 1.000 thiết bị cho các trạm BTS khu vực. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Bạch Văn Nam cho biết: Với một sản phẩm 100% nguyên vật liệu Việt Nam mà chi phí chỉ 5 triệu đồng lắp đặt cho một trạm BTS là rất kinh tế. Sản phẩm cùng loại nhập khẩu một số địa phương đã trang bị có giá thành từ 30-35 triệu đồng mà chưa có cài đặt giám sát tự động trên các thiết bị điện thoại thông minh hay máy tính.

 

Có thể nói, với một môi trường đào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đã tạo ra những người thầy giỏi khoa học, chuyên sâu nghiên cứu, biết làm thợ và ứng dụng, chuyển giao phù hợp nhu cầu xã hội. Sản phẩm Điều khiển và giám sát hoạt động trạm BTS viễn thông thêm một lần nữa khẳng định chất lượng đào tạo luôn gắn với thực tế, nhu cầu xã hội của Nhà trường.