Hãng sản xuất máy ảnh Canon vừa công bố sáng chế mới giúp thu gọn ống kính "siêu tele" chỉ bằng một nửa so với trước đây.
Bằng sáng chế No. 2016-102852 được áp dụng cho ống kính EF 1000mm f/5.6 DO có kích thước nhỏ gọn đáng ngạc nhiên. Đây là cải tiến và nâng cấp đáng kể về công nghệ chế tạo kể từ khi Canon ra mắt ống kính EF 1,200mm f/5.6 L USM dài nhất của hãng dành riêng cho sự kiện Olympics Mùa hè năm 1984 tại Los Angeles.
Canon EF 1,200mm f/5.6 L USM cũng là ống kính dài nhất thế giới có chức năng lấy nét tự động, giúp người dùng không phải lấy nét bằng tay khi chụp sự kiện thể thao.
Với ống kính EF 1000mm f/5.6 DO mới nhất, Canon đã sử dụng nhiễu xạ quang học (Diffractive Optics – DO), một dạng công nghệ ống kính cho phép tạo ra tiêu cự tương đương dài hơn mà không cần phải tăng trọng lượng và độ dài ống kính.
Lấy ví dụ ống kính Canon EF 400mm f/4 DO IS II USM ra mắt năm ngoái. Mặc dù tiêu cự của ống chỉ tương đương 400mm (~15.75 inches) nhưng độ dài của ống chỉ có 233mm (~9.2 inches). Trong khi đó, ống Canon400mm ƒ/2.8L IS II không sử dụng công nghệ DO nên có trọng lượng tới 3,85kg, còn EF 400mm f/4 DO IS II USM dùng DO nên chỉ nặng 2kg – nghĩa là gần bằng một nửa.
Tuy nhiên, nhiễu xạ quang học cũng có điểm yếu riêng, đó là người dùng phải đánh đổi về chất lượng hình ảnh. Tuy công nghệ DO của Canon khá ấn tượng nhưng độ sắc nét và chi tiết còn lâu với sánh được các ống kính quang học truyền thống. Đổi lại, người dùng sẽ có được sự linh hoạt khi sử dụng và không phải vác theo những ống kính nặng nề và cồng kềnh trên vai.