Minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị

09:58, 17/08/2016

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã được các cơ quan trên địa bàn tỉnh ưu tiên hàng đầu tập trung vào công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, từ ngày 14-10-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP nhằm đẩy mạnh phát triển Chính phủ Điện tử, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết này chính là chuyển đổi phương thức chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo và phục vụ.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt thì nguồn vốn đầu tư tư phát triển thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020, theo kiến trúc phát triển chính phủ điện tử của tỉnh sẽ có 3 dự án:

Dự án 1: Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật Công nghệ thông tin tập trung của tỉnh Thái Nguyên, tổng kinh phí thực hiện: 57,6 tỷ VNĐ; Dự án 2: Xây dựng cổng giao dịch, giao tiếp điện tử tỉnh Thái Nguyên, tổng mức đầu tư: 15,5 tỷ VNĐ và Dự án 3: Đầu tư hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc thống nhất từ tỉnh đến xã, tổng kinh phí thực hiện 18,1 tỷ VNĐ.

Để phát triển Chính phủ Điện tử rất cần thiết phải cải thiện và nâng cao 3 nhóm chỉ số bao gồm: chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), chỉ số về hạ tầng viễn thông (TII) và chỉ số về nguồn nhân lực (HCI). Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 36a đã đề ra cho lộ trình phát triển Chính phủ Điện tử giai đoạn 2016-2020. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Lê Hữu Nhân, Trưởng phòng Quản lý CNTT, Sở TT&TT cho biết: Xây dựng Chính phủ Điện tử đối với các địa phương chính là ứng dụng CNTT vào tổ chức, bộ máy nhằm tăng cường năng lực của chính quyền hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, công khai và minh bạch hơn, cung cấp thông tin tốt hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân và hơn nữa còn tạo điều kiên thuận lợi cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý Nhà nước. Sở TT&TT đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh.

 

Điều đó được cụ thể hóa bằng các kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước giai đoạn 2008-2015; Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020. Ban chỉ đạo CNTT của tỉnh được thành lập gồm 30 người, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, các đồng chí ủy viên là giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND của các huyện, thành, thị. UBND tỉnh đã ban hành 4 văn bản chỉ đạo, đốn đốc, điều hành việc tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản đi đến thống nhất trên địa bàn tỉnh để thực hiện liên thông văn bản điện tử từ tỉnh đến xã và kết nối với trung ương; đôn đốc các đơn vị triển khai tích hợp tự động số liệu thống kế xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa hiện đại, dịch vụ công với Cổng thông tinh của tỉnh và tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia.

 

Bắt đầu từ ngày 2-12-2015 đến nay, hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành thống nhất trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ cho 33 đơn vị (các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thị xã), liên thông trao đổi điện tử với 45 đơn vị trong tỉnh với số lượng văn bản trao đổi điện tử qua hệ thống đạt 200.000 văn bản điện tử. Đã liên thông trao đổi văn bản điện tử trong nội tỉnh với các đơn vị từ tỉnh đến xã. Tích hợp và công khai trao đổi văn bản điện tử, tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử tỉnh và cổng thông tin điện tử Chính phủ. Đặc biệt đã liên thông với Chính phủ với 2 trục T.P Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ bằng kết nối Internet và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan đảng, nhà nước (TSL). Sở TT&TT đã chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương tập trung rà soát, thống nhất chuẩn kết nối tích hợp số liệu thống kê tự động trên tất cả các hệ thống một cửa hiện đại (tại 09 huyện, các sở, ban, ngành) và 50 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của sở, ban, ngành, T.P Thái Nguyên để tích hợp về cổng thông tin điện tử của tỉnh và cổng dịch vụ công Quốc gia, cổng thông tin điện tử Chính phủ.

 

Một trong những đơn vị đi tiên phong trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến là Sở Giao thông Vận tải. Theo đồng chí Nguyễn Thư Hoàn, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Sát hạch: Sở Giao thông Vận tải đã đưa vào sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp đổi giấy phép lái xe từ 1-7-2015.

 

Nếu như trước kia người dân phải trực tiếp đến cơ quan cấp đổi giấy lái phép lái xe để làm thủ tục, khai theo mẫu đơn, nộp bản sao chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe và giấy khám sức khỏe (nếu bằng lái xe còn hạn trong thời gian 3 tháng) và cũng phải chờ theo lịch hẹn mới hoàn tất được thủ tục. Thì nay, người dân có thể ngồi tại nhà và thực hiện việc đổi giấy phép lái xe trực tuyến trên máy tính bằng cách đăng ký, điền các thông tin theo yêu cầu với chỉ chưa tới 5 phút đã làm xong thủ tục. Người đăng ký sẽ nhận được lịch hẹn thời điểm cụ thể của cơ quan cấp đổi giấy lái phép lái xe qua email hoặc tin nhắn SMS để đến chụp ảnh và nhận bằng (từ thẻ giấy sang thẻ nhựa PET). Việc đổi giấy phép lái xe qua internet này không chỉ giúp người dân tiết kiệm được thời gian công sức, mà còn giảm được khá nhiều chi phí do không phải nghỉ làm để đi đến tận nơi làm thủ tục.

 

Từ thời điểm thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong cấp đổi giấy phép lái xe đến nay, Sở Giao thông Vận tải đã cấp đổi cho 203 trường hợp đăng ký trực tuyến. Vì sao con số lại ít như vậy là do vẫn còn nhiều người dân chưa biết đến loại dịch vụ này hoặc họ thấy việc đổi bằng hiện nay thủ tục cũng rất đơn giản nên đến trực tiếp tại cơ quan cấp đổi giấy lái phép lái xe. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang web của sở để đông đảo người dân biết và sử dụng dịch vụ tiện ích này.

 

Hiện nay, các sở: Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư… đang tích cực triển khai, sớm đưa các dịch vụ công trực tuyến vào hoạt động để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP nhằm đẩy mạnh phát triển Chính phủ Điện tử của tỉnh còn gặp không ít khó khăn, đó là chưa chủ động kịp thời về kinh phí, do vậy việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước còn chậm đặc biệt là triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Nhận thức, thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, nên số lượng hồ sơ người dân tham gia, khai thác dịch vụ công mức độ 3, 4 chưa nhiều. Các hệ thống thông tin của tỉnh được đầu tư những năm trước tuy vẫn hoạt động được song theo kiến trúc phát triển Chính phủ điện tử chưa đáp ứng yêu cầu, do vậy rất cần được thay thế để đồng bộ thống nhất.

 

Đây là những vấn đề cần nhanh chóng khắc phục để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ, tăng cường năng lực của chính quyền hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, công khai và minh bạch hơn, cung cấp thông tin tốt hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; và hơn nữa còn tạo điều kiên thuận lợi cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý Nhà nước.