Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên hình thành, phát triển từ năm đầu thập niên 60 thế kỷ XX với khu Gang Thép, khu công nghiệp Gò Đầm - Sông Công thập niên 70 và sau này tiếp tục phát triển một số ngành công nghiệp khác, đã trở thành ngành công nghiệp truyền thống và chủ lực của tỉnh trong nhiều giai đoạn, thời kỳ.
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sách 2010) năm 2005 là 12,141 nghìn tỷ đồng; năm 2010 là 24,9 nghìn tỷ đồng; năm 2015 là hơn 365 nghìn tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2016 đạt 243,5 nghìn tỷ đồng). Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 35,416 triệu USD; năm 2010 đạt 63 triệu USD; năm 2015 đạt 17,5 tỷ USD (6 tháng đầu năm đạt 8,8 tỷ USD). Giá trị gia tăng công nghiệp năm 2005 đạt 3,6 nghìn tỷ đồng; năm 2010 đạt 6,8 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006-2010 đạt 15,45%/năm, trong 2 năm 2014-2015 tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp truyền thống của tỉnh giảm nhanh (từ 65,4% năm 2005 xuống 7,5% năm 2014), do ngành công nghiệp CNTT&ĐT có bước phát triển đột phá, tỷ trọng tăng 0% năm 2005 lên 85,81% năm 2014-2015. Đây là xu thể chuyển dịch, tái cấu trúc theo hướng tiến bộ của các nước đang và phát triển và Thái Nguyên đã có mặt trên bản đồ công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử (CNTT&ĐT) trong nước và quốc tế.
Ngay sau khi thành lập, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã bắt tay vào việc cùng với các ngành, các cấp của tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các chính sách, giải pháp để xây dựng, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT&ĐT, trong bối cảnh công nghiệp CNTT&ĐT của tỉnh chưa hình thành, tổng doanh thu hoạt động ước đạt hơn 100 tỷ đồng với hơn 20 doanh nghiệp nhỏ, 300 hộ kinh doanh cá thể hoạt động; tổng nguồn nhân lực khoảng hơn 500 lao động, giá trị sản xuất công nghiệp xuất khẩu chưa có, cơ sở đào tạo phát triển nguồn nhân lực chưa nhiều. Đây vừa là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội cho toàn ngành TT&TT cùng với các ban ngành khác của tỉnh tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Nhận thức rõ tiềm năng, các lợi thế so sách của tỉnh ở mức khá cao so với các tỉnh thành khác trong cả nước về phát triển công nghiệp CNTT&ĐT, ngay trong năm 2008 UBND tỉnh xây dựng và ban hành quy hoạch bưu chính, viễn thông và ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin tin và truyền thông tỉnh Thái Nguyên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với các mục tiêu, nhiệm vụ trong tâm lãnh đạo, chỉ đạo cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp CNTT&ĐT đến năm 2015 cụ thể là: “Tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15-20%/năm và đạt tổng doanh thu khoảng 15.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, xuất khẩu đạt 30 triệu USD, công nghiệp CNTT&ĐT đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh” lúc đó tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mới đạt khoảng gần 60 triệu USD, tiếp theo đó quy hoạch phát triển công nghiệp công nghệ cao, CNTT&ĐT được thiết kế các quy hoạch khu Tổ hợp Yên Bình tỉnh Thái Nguyên và khu công nghệ cao Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên.
Thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp CNTT&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã bàn hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử của tỉnh, đồng thời tổ chức làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 18/7/2011 để đề nghị hỗ trợ giúp đỡ xây dựng công nghiệp CNTT&ĐT với kết quả ra Thông báo số 73/TB-BTTTT-UBND ngày 21/7/2011 của Bộ TT&TT và UBND tỉnh. Các tài liệu này nhanh chóng được biên tập và dịch thuật sang ngôn ngữ tiếng Anh để thực hiện xúc tiến, quảng bá và kêu gọi đầu tư thông qua các cơ quan của Bộ TT&TT, hiệp hội…, qua các cuộc làm việc của tỉnh với các đoàn quốc tế. Kết quả thu hút thành công của Tập đoàn Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình thuộc Tổ hợp Yên Bình và chuỗi gần 80 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ tại Khu công nghiệp Điềm Thụy - huyện Phú Bình và một số cụm, khu công nghiệp khác trên địa bàn là sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và sự đồng thuận của Chính phủ, sự ủng hộ của các Bộ ngành, trung ương, trực tiếp từ Bộ TT&TT.
Để cụ thể hơn, tỉnh cũng đã ban hành Đề án phát triển công nghiệp CNTT&ĐT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, Khu công nghệ thông tin tập trung được Chính phủ xác định là một trong những dự án trọng điểm của Đề án và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 03/11/2015 UBDN tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu CNTT tập trung Yên Bình do Công ty Tư vấn Kiến trúc quy hoạch Gansam Hàn Quốc tư vấn lập thiết kế tại Quyết định số 3042/QĐ-UBND. Hồ sơ đề án thành lập khu CNTT tập trung Yên Bình được các bộ, ban ngành TW cho ý kiến và góp ý, Bộ TT&TT thẩm định và tiếp tục hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định để tập trung phát triển và thu hút các tập đoàn như Samsung và lớn hơn đầu tư phát triển sản xuất.
Như vậy, sau 10 năm xây dựng phát triển công nghiệp CNTT&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã đạt được kết quả sau: có 348 doanh nghiệp (trong đó có hơn 80 doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất, kinh doanh); hơn 1.500 hộ kinh doanh cá thể; tổng số lao động tham gia đạt 80 nghìn lao động; tổng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ năm 2015 đạt gần 330 nghìn tỷ đồng; xuất khẩu năm 2015 đạt hơn 16,5 tỷ USD (6 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu đạt 8 tỷ đồng); thu ngân sách toàn ngành năm 2015 đạt hơn 1500 tỷ đồng (năm 2016 dự kiến đạt hơn 2.500 đến 3.000 tỷ đồng); Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông được thành lập, chuyên ngành đào tạo với 17 chuyên ngành ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; tổng số giáo viên (hơn 75% giáo viên cơ hữu), gồm: 2 giáo sư, 30 phó giáo sư, 35 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, 300 thạc sĩ, đại học 150; hàng năm đào tạo hơn 6.000 sinh viên chính quy, 10 nghiên cứu sinh, 300 học viên cao học hàng năm. Như vậy, sự có mặt của Tập đoàn Điện tử SamSung và đi theo hệ thống các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ đã làm động lực lan tỏa trực tiếp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT&ĐT, công nghiệp hỗ trợ và gián tiếp thúc đẩy phát triển công nghiệp du lịch, nông nghiệp công nghệ cao... và tạo sức bật mới, diện mạo mới cho nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên.
Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử sẽ tiếp tục là xu thế phát triển của thế giới và tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước được Bộ Chính trị nhận định, chỉ đạo các chủ trương phát triển tại Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Thái Nguyên không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy từ động lực phát triển ở năm 2014-2015, ngành công nghiệp CNTT&ĐT được xác định một trong những trong điểm phát triển của Nghị quyết 01-NQ/ĐH ngày 28/10/2015 của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020. Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung được xác định ưu tiên phát triển thứ 4 trong 20 dự án trọng điểm của chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015-2020, trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 2, nhiệm kỳ 2016-2020. Giai đoạn 2016-2025 quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh đối với ngành công nghệ thông tin và điện tử; sản xuất vỉ, vi mạch bán dẫn; sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện…là ưu tiên số 1, vùng quy hoạch trọng điểm được xác định: Công nghệ thông tin và điện tử; sản xuất vỉ, vi mạch bán dẫn; sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện...
Quá trình phát triển công nghiệp CNTT&ĐT, “công nghệ và thời gian” là hai yếu tố sống còn của doanh nghiệp, do vậy chỉ cần một quyết định làm chậm tiến trình đó của hệ thống chính trị cũng sẽ đồng nghĩa với việc làm mất đi nhiều cơ hội phát triển cho tương lai. Phát triển tỉnh Thái Nguyên đã hội tụ đủ yếu tố chủ trương, chính sách, quy hoạch, động lực nền tảng cho phát triển, việc xây dựng phát triển công nghiệp CNTT&ĐT trở thành nền tảng, tạo đà dẫn dắt cho ngành công nghiệp khác phát triển.