Nằm ven bờ sông Công, tại xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đóng trên dải đất đẹp như một vùng thảo nguyên bởi những đồng cỏ rộng lớn, xanh mướt, trải dài tít tắp. Với diện tích rộng lớn gần 70 ha, trong đó có 30 ha đồng cỏ, Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi là nơi nuôi dưỡng số lượng ngựa, trâu giống lớn nhất miền bắc hiện nay.
Trung tâm cũng là nơi duy nhất tại Việt Nam thực hiện việc nghiên cứu chọn lọc, nhân giống, lai tạo, giữ giống gốc và bảo tồn nguồn gen các giống đại gia súc, gia cầm khu vực các tỉnh trung du, miền núi phía bắc. Với ba khu trang trại và trạm nghiên cứu, Trung tâm trực tiếp quản lý 100 con ngựa giống, 60 con trâu giống, ba nghìn con gà giống phục vụ công tác nghiên cứu, lai tạo và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.
Trại ngựa giống của Trung tâm có năm dòng ngựa cơ bản, đó là: Ngựa bạch (giống ngựa quý thuần Việt), ngựa Carbadin (giống ngựa của Nga và là một trong những dòng ngựa có khả năng thồ hàng khỏe nhất thế giới), ngựa lai đua (lai giữa ngựa 25% máu Carbadin và ngựa đua thuần chủng), ngựa nội (các giống ngựa trong nước) và ngựa mi ni (giống ngựa nhỏ chuyên để làm cảnh, có nguồn gốc từ Trung Quốc). Ngựa bạch thường được nuôi dưỡng, cho sinh sản nhằm phát triển đàn ngựa quý hiếm, đang có nguy cơ tiệt chủng do các thương lái săn lùng để nấu cao. Ngựa Carbadin to khỏe hơn rất nhiều so với ngựa Việt thuần chủng nên được lai giống với ngựa nội, sản sinh ra thế hệ ngựa Carbadin F1, rồi lại cho lai tiếp với ngựa địa phương thành ngựa Carbadin F2, để nâng cao tầm vóc con ngựa địa phương, lấy sức kéo, sức thồ và lấy thịt (nguồn dinh dưỡng từ thịt ngựa rất cao, lại thơm ngon, nên thường được sử dụng trong việc chế biến các món ăn đặc sản). Ngựa Carbadin F1 và F2 có trọng lượng khi trưởng thành khoảng 2,5 đến 2,8 tạ/con, khả năng thồ hàng đạt từ 80 đến 100 kg. Ngựa lai đua (được thụ tinh từ ngựa mẹ 25% máu Carbadin với tinh ngựa đua thuần chủng nhập khẩu từ Đức) nên có dáng to cao, chắc khỏe, có thể phi nước đại với tốc độ trên 40 km/giờ. Trọng lượng ngựa lai đua đạt tới gần 3 tạ đến 3,2 tạ/con, chuyên phục vụ cho các trường đua, rạp xiếc và một số khách hàng có sở thích cưỡi ngựa hoặc kéo xe bằng ngựa. Riêng giống ngựa mi ni thường được nuôi dưỡng, cho sinh sản để phục vụ những khu du lịch sinh thái giải trí, làm cảnh.
Song song với việc nghiên cứu, lai tạo, bảo tồn các giống ngựa quý, Trung tâm còn có Trại nghiên cứu trâu giống hạt nhân và hiện cũng đang duy trì tới 60 con trâu giống (trâu Murrah có nguồn gốc Ấn Độ và trâu Việt Nam) để nhân thuần, sản xuất tinh cọng rạ phục vụ việc lai tạo với trâu nội. Trâu lai F1 cho khối lượng cơ thể cao hơn so với trâu nội từ 20 đến 25%, năng suất thịt xẻ tăng từ 5 đến 7%. Trâu lai có thể sử dụng nguồn sức kéo và nguồn thương phẩm nuôi thịt.
Thời gian gần đây, đàn trâu của Việt Nam có chiều hướng giảm cả về số lượng và chất lượng do nhu cầu khai thác tiềm năng sức kéo đã không còn cần thiết bởi sự thay thế của hàng loạt các loại máy nông nghiệp hiện đại với năng suất cao. Việc chọn giống cho trâu ở các địa phương cũng ít được chú trọng nên tình trạng cận huyết, đồng huyết xảy ra phổ biến do việc nhân giống tự nhiên trong cùng một địa bàn. Đàn trâu nuôi liên tục bị giết thịt để khai thác nguồn da và thực phẩm. Vì vậy, để duy trì và phát triển đàn trâu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã dùng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu nội bằng tinh đông lạnh cọng rạ giống trâu Murrah. Cách thụ tinh này đạt hiệu quả cao về chất lượng, số lượng, tiết kiệm thời gian lai tạo và tạo con lai có khả năng thích ứng tốt với môi trường chăn nuôi tại địa phương.
Việc nghiên cứu và ứng dụng thụ tinh nhân tạo cho trâu (sử dụng tinh cọng rạ trâu Murrah) đã mở ra hướng đi chiến lược trong việc cải thiện chất lượng đàn trâu Việt Nam và thu hút đông đảo bà con các tỉnh tham gia chăn nuôi đàn trâu lai, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Trâu lai F1 và F2 đều sinh trưởng bình thường như trâu nội và thích nghi với điều kiện chăn thả cũng như khí hậu nước ta. Trâu Murrah F1 và F2 khi trưởng thành có trọng lượng đạt khoảng gần 4 tạ đến 5 tạ/con.
Ngoài ra, Trung tâm còn có Trại nghiên cứu chăn nuôi, lai tạo các giống gia súc nhỏ và gia cầm như gà lông màu thả vườn, vịt siêu thịt… Với 3.000 con gà giống, hai máy ấp trứng gia cầm công suất 20.000 trứng/mẻ ấp, Trung tâm đã cho ra đời giống gà lai Lương Phượng với các loại gà của địa phương như: Gà mía, gà ri, gà chọi... Giống gà lai có sức sống tốt, sinh trưởng nhanh, có năng suất cao hơn gà nội và thích nghi được với thời tiết, khí hậu ở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc.
Để có được nguồn thức ăn dồi dào cho đàn đại gia súc, Trung tâm đã nhập khẩu và trồng các giống cỏ có chất lượng dinh dưỡng với năng suất cao, phù hợp vùng khí hậu và thổ nhưỡng ở Việt Nam. Trên tổng diện tích 30 ha đồng cỏ chăn thả và thâm canh, đã có 46 giống cỏ và cây thức ăn khác nhau được trồng, thu hoạch. Các giống cỏ đều có nguồn gốc nhập ngoại từ các nước: Úc, Thái-lan, Mỹ với một số loại chủ lực: Cỏ VA06, cỏ voi, cỏ Ghine, cỏ Hamin, cỏ Mulatoo… Các loại cỏ còn được nhân giống và bán hạt, thân hom cho các hộ chăn nuôi để phục vụ việc nuôi đàn đại gia súc và phát triển thêm một số giống cỏ trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, Trung tâm xuất từ 80 đến 100 con ngựa giống, trâu giống; 50 đến 60 nghìn con gà giống và hàng trăm tấn cỏ giống cho các nông hộ.
Với tổng số 42 cán bộ công nhân viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn (gồm hai tiến sĩ, sáu thạc sĩ, 10 kỹ sư và 24 kỹ thuật viên), Trung tâm đã có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học và đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước được đánh giá cao, áp dụng vào thực tiễn. Các đề tài đều được công bố và đăng tải trên những Tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.
Trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám Đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi, anh cho biết: Các công trình nghiên cứu đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển về tầm vóc, chất lượng, số lượng đàn đại gia súc, gia cầm tại địa phương; Giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và góp phần đẩy mạnh nền kinh tế nông nghiệp trên địa bàn. Một số đề tài nghiên cứu đó là: Nghiên cứu chọn lọc và lai tạo ngựa Carbadin với ngựa Việt Nam phục vụ dân sinh và quốc phòng; Nghiên cứu phát triển nhóm ngựa lai phục vụ thể thao và du lịch; Nghiên cứu nâng tầm vóc trâu nội theo hướng thịt, phát triển trâu lai Murrah; Nghiên cứu sản xuất tinh cọng rạ trâu và ngựa; Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số giống cỏ phù hợp với điều kiện các tỉnh miền núi phía bắc…
Trung tâm còn phối hợp sản xuất thuốc kích dục tố PMSG nhằm gây động dục hàng loạt cho gia súc (lợn, thỏ, bò...) phục vụ việc thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi, thụ tinh đồng loạt. Đây là bước tiến quan trọng, hiệu quả trong khoa học kỹ thuật, góp phần làm nên sự thành công quy trình nhân giống tại Trung tâm.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ còn tham gia tập huấn, đào tạo, giảng dạy về chuyên ngành chăn nuôi thú y cho nông dân, cán bộ địa phương và sinh viên các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành; Chủ trì các dự án, đề tài nghiên cứu chuyển giao trong nước và quốc tế về chăn nuôi thú y và thức ăn chăn nuôi.
Hướng tới sự phát triển hơn nữa của Trung tâm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại cho biết thêm: Sẽ phấn đấu thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi để trở thành Viện nghiên cứu chăn nuôi miền núi phía bắc, nhằm nghiên cứu, chuyển giao trọng tâm các giống vật nuôi đặc thù trên địa bàn với định hướng kết hợp giữa nghiên cứu chuyển giao và khu du lịch sinh thái động vật nông nghiệp. Tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi theo hướng chuỗi giá trị bền vững, an toàn. Ngoài nhiệm vụ duy trì, nhân giống, bảo tồn các giống vật nuôi hiện có, Trung tâm sẽ mở rộng nghiên cứu và bảo tồn thêm các loài động vật hoang dã…