Trong hai ngày (27 và 28-9), Trung tâm hợp tác Quốc tế - Đại học Thái Nguyên phối hợp với tổ chức Oxfam tổ chức Hội thảo về chủ đề “Hành trình 10 năm hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI ở Việt Nam và triển vọng phát triển”. Hội thảo thu hút trên 50 chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực trồng trọt, các nhà quản lý sản xuất nông nghiệp các tỉnh trong cả nước.
Hệ thống canh tác lúa cải tiến - SRI là một phương pháp canh tác lúa theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững đã được triển khai ở trên 50 nước khác nhau trên thế giới. SRI cũng đã được nghiên cứu và triển khai ở Việt Nam cách đây 1 thập kỷ và cho kết quả rất tốt ở cả 3 mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường. Năm 2007, SRI đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật và hiện nay gần 2 triệu nông dân Việt Nam áp dụng trên diện tích nửa triệu ha.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề xoay quanh chủ đề như: Hệ thống canh tác lúa cải tiến - SRI tại Việt Nam trong giai đoạn 10 năm (2007-2016); Chia sẻ một số vấn đề cùng quan tâm trong nghiên cứu và triển khai SRI tại Việt Nam; Thảo luận triển vọng phát triển của SRI tại Việt Nam; Tăng cường mối quan hệ giữa các đơn vị, tổ chức cá nhân cùng triển khai SRI trong thời gian tới…
Nhiều ý kiến tại Hội thảo đồng tình cho rằng, việc áp dụng SRI làm giảm chi phí hạt giống tới 90%, tiết kiệm nước 40 - 60%, giảm công cấy 50%, giảm phân đạm 25-30% và giảm thuốc trừ sâu, trong khi đó, năng suất lúa tăng từ 13-29%. Khi tổ chức thực hiện SRI trên quy mô lớn (cánh đồng lớn) thường gặp những khó khăn như việc gieo cấy không tập trung và các giống có thời gian sinh trưởng khác nhau, hệ thống thủy lợi nội đồng không đảm bảo, cánh đồng thiếu bằng phẳng…Chính vì vậy, cần đẩy mạnh chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM/SRI; cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng (tưới và tiêu) gắn với cải tạo mặt bằng đồng ruộng; thực hiện SRI gắn kết với “Chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn”.