Thành công từ đề tài nghiên cứu ứng dụng

10:11, 12/09/2016

Gặp lại Đỗ Sơn Hải, ở xóm Cẩm 3, xã Phục Linh, huyện Đại Từ sau khi được phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước (DCCT) khớp gối được 9 tháng, chúng tôi nhận thấy việc đi lại của anh như một người bình thường. Được biết, sau phẫu thuật 1 tuần xuất viện, anh Hải đã kiên trì luyện tập trong khoảng thời gian 3 tháng theo bài tập của các bác sĩ hướng dẫn, kết quả chuyển biến rõ nét. Đến nay, nhìn anh sinh hoạt, lao động không ai có thể nghĩ đã từng phải phẫu thuật để tái tạo DCCT khớp gối.

Anh Hải chỉ là một trong số hàng trăm bệnh nhân đã được điều trị thành công tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện TW Thái Nguyên. Trao đổi cùng chúng tôi, Th.s Vũ Mạnh Cường, Phó Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, cũng là Thư ký Đề tài khoa học “Tái tạo dây chằng chéo khớp gối bằng phẫu thuật nội soi và điều trị phục hồi tổng hợp” cho biết thêm: Chấn thương khớp gối gây tổn thương đứt DCCT là một thương tổn thường gặp mà nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn khi chơi thể thao, tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động. Khi DCCT bị đứt, trong quá trình hoạt động xương chày sẽ bị trượt ra trước so với xương đùi, khớp gối bị mất vững, người bệnh đi lại khó khăn, làm giảm hoặc mất khả năng lao động, sinh hoạt và các hoạt động thể thao, giải trí. Tình trạng mất vững khớp gối kéo dài có thể dẫn đến các tổn thương thứ phát như rách sụn chêm, giãn các dây chằng, bao khớp và tổn thương sụn khớp, về lâu dài có thể gây thoái hoá khớp. Để phục hồi lại độ vững chắc của khớp gối và tránh các biến chứng trên thì chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước là cần thiết…

 

Tại Bệnh viện TW Thái Nguyên, phẫu thuật nội soi tái tạo DCCT được triển khai từ tháng 4-2010. Đến cuối năm 2013 vẫn chưa có báo cáo tổng kết về kết quả điều trị. Xuất phát từ thực tiễn trên, chúng tôi đề xuất nghiên cứu Đề tài “Tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối bằng phẫu thuật nội soi và điều trị phục hồi tổng hợp”. Đề tài này do PGS-TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Bệnh viện làm Chủ nhiệm. Sau khi được Hội đồng Khoa học, UBND tỉnh phê duyệt, Bệnh viện đã tiến hành công trình nghiên cứu khoa học trong khoảng 2 năm 2014-2015, đến đầu năm 2016, Đề tài được nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc. Từ 1 kíp mổ ban đầu được cử đi đào tạo tại bệnh viện uy tín ở T.P Hồ Chí Minh, đến nay Bệnh viện đã đào tạo được 4 kíp mổ với đội ngũ phẫu thuật viên trẻ đầy nhiệt huyết và trí tuệ.

 

Đối tượng nghiên cứu của Đề tài gồm 87 bệnh nhân bị đứt DCCT khớp gối được điều trị tại Bệnh viện từ tháng 4-2010 đến tháng 7-2015. Qua nghiên cứu cho thấy nguyên nhân số bệnh nhân bị đứt DCCT do tai nạn thể thao chiếm tới 51,72%, đa số là nam giới. Kỹ thuật phẫu thuật tái tạo DCCT qua nội soi sử dụng mảnh ghép 4 dải tự thân là gân cơ bán gân và gân cơ thon, cố định treo gân trong đường hầm đùi bằng nút treo gân kiểu XO Button. Sau khi phẫu thuật nội soi, Bệnh viện hướng dẫn bệnh nhân các bài tập phục hồi chức năng khớp sau phẫu thuật theo chương trình của Barry B. Phillips. Tuy nhiên, điều đáng nói là có rất nhiều bệnh nhân chủ quan, nên thời gian trung bình từ khi bị chấn thương khớp gối đến khi được phẫu thuật khá lâu, trung bình là 12,86 tháng (bệnh nhân đến khám phát hiện và phẫu thuật sớm nhất là 3 tuần, lâu nhất là 10 năm).

 

Đơn cử như bệnh nhân Nông Thị Phương, 25 tuổi ở thôn Làng Há, xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa vừa được phẫu thuật tái tạo DCCT khớp gối đang điều trị tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình. Trò chuyện cùng chúng tôi, Phương cho biết: Em bị tai nạn giao thông tháng 11-2015, đi chụp X quang không phát hiện ra đứt dây chằng khớp gối. Về nhà em thấy đi lại rất khó khăn, thường xuyên bị đau, không thể chạy nhảy được, ảnh hưởng rất lớn đến lao động và sinh hoạt. Đầu tháng 9 em xuống Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên chụp cộng hưởng từ phát hiện ra đứt DCCT khớp gối. Được các bác sĩ giới thiệu Bệnh viện có kỹ thuật mổ nội soi em mừng quá quyết định nằm viện phẫu thuật luôn. Sau phẫu thuật 1 ngày em đã có thể dùng nạng tập đi. Theo các bác sĩ chỉ 1 tuần em có thể xuất viện về nhà để tập các bài phục hồi sau phẫu thuật. Do có bảo hiểm y tế nên chi phí phẫu thuật không đáng kể.

 

Nằm cùng phòng với Phương có bệnh nhân Đỗ Đức Quyền, 25 tuổi, ở xóm Phúc Lộc, xã Cao Ngạn T.P Thái Nguyên. Được biết Quyền bị chấn thương do đá bóng cách đây 3 tháng. Tuy thấy đau nhưng Quyền cũng không đi khám. Do cơn đau tăng dần mới đây Quyền mới đi chụp cộng hưởng từ và phát hiện bị đứt DCCT. Sau phẫu thuật, Quyền nói: Ca mổ diễn ra rất nhanh gọn trong khoảng thời gian 2 tiếng. Em tin với đội ngũ bác sĩ trẻ giỏi, làm chủ các kỹ thuật tiên tiến thế này thì người dân như chúng em được thụ hưởng rất tốt. Người dân không phải về các bệnh viện ở Hà Nội, nhờ vậy chi phí ăn ở, đi lại giảm rất nhiều.

 

Trong số 87 bệnh nhân bị đứt DCCT khớp gối mà Đề tài nghiên cứu thì 100% có triệu chứng lỏng khớp, trong đó có 63 bệnh nhân thường xuyên xuất hiện các triệu chứng của mất vững khớp gối gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày; 80 bệnh nhân khó khăn khi lên và xuống bậc thang hoặc địa hình không bằng phẳng; 63 bệnh nhân không thể trụ chân bị tổn thương, 28 bệnh nhân đau khớp gối; 41 bệnh nhân có tràn dịch khớp... Gần như các bệnh nhân khi chụp cộng hưởng từ đều phát hiện ra. Bệnh nhân sau phẫu thuật tái tạo DCCT đều được theo dõi và định kỳ kiểm tra đánh giá kết quả chức năng khớp.

 

Ở thời điểm kết thúc thời gian thực hiện Đề tài, qua kiểm tra được 83 / 87 bệnh nhân (95,4% tổng số bệnh nhân được phẫu thuật), 4 bệnh nhân chưa đủ thời gian theo dõi, biên độ vận động khớp gối của 83 bệnh nhân nghiên cứu đều phục hồi trở về bình thường, chỉ có 1 bệnh nhân hạn chế biên độ vận động duỗi 100. Tuy nhiên, theo Th.s Vũ Mạnh Cường, Phó Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình khuyến cáo thì người dân khi xảy ra chấn thương ở khớp gối nên đi khám để có thể can thiệp DCCT sớm. Nếu can thiệp quá muộn thì cơ đùi sẽ bị teo nhiều và có thể sẽ có tổn thương thứ phát như rách sụn chêm hay thoái hóa khớp kèm theo, do đó kết quả phẫu thuật sẽ khó đạt được mức cao nhất.

 

Phẫu thuật nội soi là hình thức phẫu thuật kín, can thiệp tối thiểu, khả năng phục hồi chức năng vận động đạt mức độ hoàn hảo nhất.Từ thành công của Đề tài “Tái tạo dây chằng chéo khớp gối bằng phẫu thuật nội soi và điều trị phục hồi tổng hợp” đã mở ra hướng điều trị mới đem lại lợi ích thiết thực cho các bệnh nhân, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của chuyên ngành chấn thương, chỉnh hình của Bệnh viện TW Thái Nguyên.