Thành công bước đầu trong kỹ thuật điều trị bệnh tim mạch

16:51, 19/10/2016

Đầu tháng 10 vừa qua, Bệnh viện C (địa chỉ tại T.P Sông Công) đã thực hiện thành công kỹ thuật tim mạch can thiệp, cứu sống 2 bệnh nhân đầu tiên, đánh dấu thành công bước đầu về kỹ thuật điều trị tim mạch cho bệnh nhân trên địa bàn. Đây là kết quả sau hơn 4 năm Bệnh viện C ký kết hợp tác hỗ trợ về chuyên ngành tim mạch, trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội.

Chúng tôi tìm đến Khoa Nội - Tim mạch, Bệnh viện C, nơi bà Lưu Thị Tơ, 80 tuổi, ở xóm 7, xã Cát Nê (Đại Từ) bệnh nhân vừa được thực hiện kỹ thuật can thiệp tim mạch (đặt máy tạo nhịp tim) và kết quả điều trị rất khả quan. Bà Tơ cho biết: Tôi vào viện đầu tháng 10, trong tình trạng người mỏi mệt, khó thở. Được cán bô, y bác sĩ quan tâm, điều trị, đến nay tình trạng của tôi đã khá hơn nhiều. Còn bà Phùng Thị Đón, 64 tuổi, tổ dân phố Tân Dương, phường Bách Quang (T.P Sông Công) thì cười bảo: Tôi được các bác sĩ chẩn đoán suy nốt xoang. Sau khi được các bác sĩ đặt máy tạo nhịp tim, tôi thấy dễ chịu hơn nhiều. Cảm ơn các bác sĩ đã điều trị cho tôi khỏe mạnh.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Khoa Nội - Tim mạch, người trực tiếp tham gia thực hiện kỹ thuật can thiệp tim mạch cho hai bệnh nhân nói trên cho biết: Cả kíp mổ của chúng tôi gồm 4 kỹ thuật viên và 3 bác sĩ, khi thực hiện kỹ thuật này rất lo bởi lần đầu tiên cả hai bệnh nhân đặt máy tạo nhịp tim nhân cho bệnh nhân. Sau khi hội chẩn với các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà nội chúng tôi kết luận phải thực hiện kỹ thuật can thiệp là đặt máy tạo nhịp nhân tạo mới thoát khỏi nguy hiểm. Được các gia đình đồng ý, chúng tôi đã thực hiện hai ca can thiệp vào sáng 9-10 và đã thành công tốt đẹp. Mỗi bệnh nhân chỉ sau 30-40 phút đã hoàn thành. Từ sau khi đặt máy đến nay, nhịp tim của họ ổn định, vết mổ khô, không đau, ăn uống bình thường.

 

Được biết, chí phí thông thường mỗi ca đặt nhịp tim nhân tạo khoảng 60 triệu đồng nhưng đây là lần đầu tiên triển khai kỹ thuật mới với hai bệnh nhân cao tuổi và tham gia bảo hiểm y tế nên Bệnh viện C đã hỗ trợ một phần kinh phí, mỗi ca chỉ mất 30 triệu đồng.

 

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Khang, Trưởng Khoa Nội - Tim mạch thông tin: Khoa hiện có 29 người (trong đó có 2 bác sĩ chuyên khoa II, 7 bác sĩ, 1 thạc sĩ). Mấy năm gần đây khi tham gia dự án bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội, chúng tôi luôn quan tâm cử đội ngũ bác sĩ đi học nâng cao chuyên môn tại Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh để làm chủ các kỹ thuật mới, nhất là việc tiếp cận các kỹ thuật về tim mạch, siêu âm tim, điện đồ. Từ thành công bước đầu trong kỹ thuật tim mạch can thiệp, can thiệp mạch vành (với bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim) hay các bệnh nhân bị tim bẩm sinh..., Khoa sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các y, bác sĩ tiếp cận và triển khai nhiều kỹ thuật mới hơn.

 

Bệnh viện C là bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng I (thuộc Sở Y tế). Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Sở Y tế về việc xây dựng bệnh viện là mô hình bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng I, những năm qua, Bệnh viện luôn ưu tiên phát triển và đạt được những kết quả tích cực ở 3 chuyên ngành mũi nhọn: chấn thương chỉnh hình, ung bướu và tim mạch. Riêng đối với chuyên ngành tim mạch, từ năm 2012, Bệnh viện C đã ký kết hợp tác hỗ trợ về chuyên ngành tim mạch với Bệnh viện Tim Hà Nội.

 

Bác sĩ Chuyên khoa II Đào Văn Soạn, Giám đốc Bệnh viện C cho biết: Theo chương trình hợp tác nói trên, Bệnh viện Tim Hà Nội đã hỗ trợ Bệnh viện C trong việc đào tạo chuyên môn cho nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên. Hiện 22 y, bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia dự án của Bệnh viện C đã hoàn toàn làm chủ những kỹ thuật can thiệp tim mạch, siêu âm tim, hồi sức cấp cứu tim mạch... Bệnh viện Tim Hà Nội còn phối hợp với dự án Norred đã và đang hỗ trợ toàn bộ các thiết bị về tim mạch hiện đại trong lĩnh vực điều trị tim mạch chuyên sâu cho Bệnh viện C như: Holter điện tâm đồ và huyết áp, bơm tiêm điện, máy điện tâm đồ có thảm gắng sức... và nhiều thiết bị khác để hoàn thiện danh mục thiết bị y tế trong lĩnh vực tim mạch, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

 

Có thể nói, với sự giúp đỡ của Bệnh viện Tim Hà Nội, công tác khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch tại Bệnh viện C đang tiến triển tốt đẹp. Việc triển khai được nhiều kỹ thuật tim mạch sẽ giúp bệnh nhân được tiếp cận điều trị sớm, cơ hội cứu sống cao hơn bởi đặc thù của bệnh tim mạch là khi vận chuyển đường dài lên tuyến trên dễ xảy ra rủi ro. Theo lộ trình đến năm 2020, Bệnh viện C hàng năm sẽ nhận 4 gói đào tạo và 21 gói chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Tim Hà Nội, đảm bảo phát triển mạnh về chuyên ngành tim mạch trên 3 lĩnh vực: nội khoa tim mạch, tim mạch can thiệp và phẫu thuật tim mạch.