Tối 9-11, sự kiện khoa học và công nghệ (KH&CN) “Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ năm 2016” do UBND tỉnh, Bộ KH&CN, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa Các dân tộc Việt Nam. Đây là cơ hội để các nhà khoa học, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp gặp gỡ, giới thiệu, trao đổi, chuyển giao và tiếp nhận các công nghệ, thiết bị mới. Phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Quốc Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức, Giám đốc Sở KH&CN để độc giả hiểu rõ hơn về sự kiện này.
PV: Hoạt động “trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ năm 2016 được tổ chức như thế nào thưa đồng chí?
Đ/c Phạm Quốc Chính: Sự kiện “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ năm 2016” do Bộ KH&CN, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và UBND tỉnh Thái Nguyên đồng tổ chức tại T.P Thái Nguyên kể từ ngày 9 đến 11-11 với các nội dung chính: Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ và các hội nghị, hội thảo, diễn đàn. Hoạt động trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ được diễn ra tại 116 gian hàng, với gần 400 công nghệ/thiết bị/sản phẩm nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước... phù hợp với khu vực phía Bắc và sẵn sàng chuyển giao. Tại khu trình diễn, Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ sẽ ra mắt hệ thống cơ sở dữ liệu cung - cầu công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ online.
PV: Đồng chí đánh giá thế nào về mức độ quan tâm đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp?
Đ/c Phạm Quốc Chính: Với cương vị của nhà quản lý công nghệ, tôi luôn trăn trở làm sao để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp. Sự kiện KH&CN lần này sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn cung công nghệ trong nước và ngoài nước.
Để chuẩn bị cho sự hoạt động trình diễn và kết nối cung cầu quy mô quốc gia tổ chức tại Thái Nguyên lần này, Bộ KH&CN đã giao cho Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Sở KH&CN các tỉnh khu vực phía Bắc tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp. Kết quả điều tra, khảo sát tại 661 doanh nghiệp của 17 tỉnh (Ninh Bình, Cao Bằng, Phú Thọ, Lai Châu, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Bắc Ninh, Lào Cai, Hòa Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Yên Bái, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên) cho thấy: có 209 nhu cầu về công nghệ của 142 doanh nghiệp, trong đó công nghệ mới thuộc lĩnh vực Cơ khí chế tạo chiếm 20%; chế biến thực phẩm chiếm 19%; lĩnh vực trồng trọt chăn nuôi chiếm 11%; 50% thuộc các lĩnh vực khác. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp đang rất có nhu cầu đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
PV: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vấn đề tài chính để có thể thay đổi công nghệ. Vậy tại sự kiện này ngoài công nghệ, thì các doanh nghiệp có được tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ trong nước, quốc tế thưa đồng chí?
Đ/c Phạm Quốc Chính: Tại sự kiện KH&CN lần này sẽ có trên 80 chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực sẽ tư vấn kỹ thuật, cải tiến công nghệ trực tiếp cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Bên cạnh đó, hoạt động kết nối tài chính và công nghệ cũng sẽ được diễn ra. Chúng tôi đã bố trí các gian để dành riêng cho hoạt động này. Các chuyên gia về tài chính đến từ các quỹ đầu tư tài chính, từ các ngân hàng; các nhà quản lý đến từ các văn phòng các chương trình sẽ hỗ trợ, tư vấn để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với các nguồn tài chính từ các quỹ, ngân hàng, các dự án cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo. Kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài về liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư dựa trên công nghệ...
PV: Thông qua hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ lần này, chúng ta có kỳ vọng gì đối với khối doanh nghiệp của tỉnh tiếp cận để tham gia sản xuất công nghiệp phụ trợ đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu thưa đồng chí?
Đ/c Phạm Quốc Chính: Tính đến tháng 9-2016, tổng số dự án FDI trên toàn tỉnh là 116 dự án, trong đó, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc có 84 dự án. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: Linh kiện điện tử; sản xuất thiết bị di động, điện tử viễn thông; công nghiệp, thép xây dựng; dụng cụ cơ khí cầm tay xuất khẩu; hàng may mặc xuất khẩu; lắp ráp sản phẩm điện tử, in tem nhãn công nghiệp… Đây là một kênh để chuyển giao công nghệ mới vào tỉnh Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung và cũng là cơ hội để phát triển công nghiệp phụ trợ của tỉnh. Tuy nhiên, ngành công nghiệp phụ trợ của chúng ta phát triển chưa được như mong muốn, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan mang lại.
Với sự kiện này, chúng tôi kỳ vọng sẽ hỗ trợ được nhiều thông tin về công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bộ KH&CN đã lựa chọn được 550 công nghệ mới sẵn sàng chuyển giao, trong đó: có 128 công nghệ phục vụ nông nghiệp; 81 công nghệ sinh học; 25 công nghệ cơ khí chế tạo, còn lại thuộc các lĩnh vực khác. Ngoài ra, còn có bộ cơ sở dữ liệu về công nghệ gồm: danh mục gần 1.000 loại nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước để cung cấp cho các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu; dữ liệu gần 10.000 doanh nghiệp để phục vụ kết nối chuyển giao công nghệ; dữ liệu về 200 chuyên gia công nghệ các ngành lĩnh vực công nghệ để phục vụ công tác tư vấn cho doanh nghiệp trong ứng dụng, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình kỹ thuật…
PV: Đồng chí có thể thông tin cho độc giả biết dự kiến kết quả thu được của hoạt động trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ năm 2016?
Đ/c Phạm Quốc Chính: Sự kiện KH&CN năm 2016 được tổ chức với mục đích kết nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để giải quyết các vấn đề kỹ thuật, công nghệ tại các địa phương. Kết nối nguồn cung với nguồn cầu công nghệ trong và ngoài nước. Kết nối các nhà đầu tư với doanh nghiệp đổi mới và phát triển công nghệ nhằm mang lại lợi ích cho cả hai phía. Kết nối ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, đời sống; tăng cường giao lưu hợp tác giữa các tỉnh thành trong nước với các nước và quốc tế, tạo cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin về công nghệ, chuyên gia công nghệ; giao lưu giới thiệu trình diễn công nghệ, sản phẩm đặc trưng của từng tỉnh, vùng miền trong cả nước. Kết quả dự kiến thu được là rất khả quan, cả từ khía cạnh kinh tế và xã hội. Dự kiến sẽ có khoảng 12 cặp ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ tại sự kiện có trị giá trên 100 tỷ đồng. Qua hoạt động này, Thái Nguyên có cơ hội để giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế những hình ảnh đẹp về Thái Nguyên thông qua các sản phẩm làng nghề nổi tiếng, về những nét đẹp văn hóa của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên quê hương cách mạng này, về các điểm du lịch, di tích lịch sử của Thái Nguyên.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!