Đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ

11:19, 07/11/2016

Sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ năm 2016 sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), UBND tỉnh Thái Nguyên và Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp tổ chức từ ngày 9 đến 11-11 tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây là dịp kết nối giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, các hiệp hội trong nước và nước ngoài để giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật, công nghệ đang đặt ra. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức sự kiện đã được hoàn tất, hứa hẹn mang lại kết quả, hiệu quả cao.

Có mặt tại Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, ở xóm 9, xã Cổ Lũng (Phú Lương) những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí chuẩn bị tích cực của các hội viên để tham gia sự kiện KH&CN nói trên. Nhanh tay vớt mẻ bánh chưng vừa luộc chín, chị Đỗ Thị Thoa, hội viên của Làng nghề cho biết: Hộ nào được chọn tham gia sự kiện lần này là vinh dự rất lớn. Thông qua việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại đây sẽ góp phần quảng bá cho thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu bay xa hơn nữa…

 

Dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình hội viên, bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng Ban quản lý Làng nghề thông tin thêm: Sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu có từ những năm 1960. Hiện nay, xóm 9 có 200 hộ thì có 48 hộ là hội viên của làng nghề. Nghề làm bánh chưng đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động với mức thu nhập trung bình từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Với lịch sử hơn 50 năm duy trì và phát triển, bánh chưng Bờ Đậu đã khẳng định được thương hiệu và trở thành một trong 5 làng bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc. Được Sở KH&CN, Sở Công Thương lựa chọn tham gia giới thiệu sản phẩm tại sự kiện KH&CN lần này, chúng tôi đã tổ chức họp Ban quản lý làng nghề, phân công 5 thành viên trong ban quản lý làng nghề để giới thiệu sản phẩm trong suốt chuỗi sự kiện. Đồng thời lựa chọn những hộ gói bánh chưng ngon nhất, giỏi nhất để mang sản phẩm đến giới thiệu. Ngoài sản phẩm bánh chưng, còn có bánh giò, bánh dầy, xu xê, bánh mỳ.

 

Rời Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, chúng tôi đến hộ sản xuất, kinh doanh nấm lim xanh của anh Trần Danh Tài, chị Đỗ Thanh Xuân, ở xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Được biết trước đây, gia đình anh Tài đã trồng nhiều loại nấm dược liệu và đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ phía Sở KH&CN thông qua công tác tư vấn, hỗ trợ giống nấm. Tiếp nối những thành công từ trồng nấm dược liệu, năm 2014, anh Tài đã cùng các kỹ sư của Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên lựa chọn tế bào gốc, phân lập, sản xuất thử nghiệm thành công sản phẩm giống nấm lim xanh. Sau khi phân lập thành công giống nấm, ban đầu gia đình trồng 500 bịch. Anh Trần Danh Tài cho biết: Từ các nghiên cứu cho thấy, nấm lim xanh có những công dụng tuyệt vời trong điều trị một số căn bệnh nguy hiểm, bệnh nan y hay các bệnh ung thư, ngăn ngừa sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn xâm hại cơ thể. Vì thế, gia đình tôi quyết định nhân rộng mô hình trồng nấm lim xanh dược liệu lên tới trên 4.000 bịch/lứa. Hiện nay, giá nấm tươi bán tại nhà là 1 triệu đồng/kg, nấm khô là 2,7 triệu đồng/kg, thị trường cung ứng không chỉ trong tỉnh mà các tỉnh lân cận. Được lựa chọn tham gia giới thiệu sản phẩm tại sự kiện KH&CN cấp quốc gia tổ chức tại Thái Nguyên lần này, tôi rất vui mừng. Vì đây là cơ hội gia đình tôi giới thiệu, quảng bá sản phẩm, để cung gặp cầu, chứ không cần qua bất cứ khâu trung gian nào.

 

Ngoài gia đình anh Tài và Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu (là 2 trong 10 gian hàng quảng bá sản phẩm làng nghề nổi tiếng của tỉnh), Đại học Thái Nguyên đang tích cực chuẩn bị tham gia sự kiện KH&CN nêu trên nhằm khẳng định vị thế trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đại học Thái Nguyên đã phân công cho Trường Đại học Nông Lâm và Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) tổ chức Hội nghị “Phát triển, ứng dụng công nghệ nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế” và “Diễn đàn xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ năm 2016”. Đại học Thái Nguyên đã chuẩn bị 14 gian hàng để trưng bày, giới thiệu các nghiên cứu, sản phẩm KH&CN thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, khoa học giáo dục, môi trường; cơ điện công nghiệp, như: Trình diễn mô hình dây chuyền luyện gang phi cốc bằng lò hồ quang; quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật VietGAP…

 

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho sự kiện mang tầm cỡ quốc gia cơ bản đã hoàn tất. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN, Phó Ban Tổ chức, khẳng định: Sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ năm 2016 do Bộ KH&CN, UBND tỉnh Thái Nguyên và Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp tổ chức tại T.P Thái Nguyên là dịp để kết nối giữa các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các hiệp hội trong nước và nước ngoài để giải quyết các vấn đề kỹ thuật, công nghệ đang đặt ra. Qua đó, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, người dân các địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc. Tham dự sự kiện lần này có 16 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của nước ngoài đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Mỹ... Đối với tỉnh ta có 14 gian hàng của Đại học Thái Nguyên và 10 gian hàng quảng bá sản phẩm của các làng nghề nổi tiếng trên địa bàn. Với vai trò là cơ quan thường trực tổ chức sự kiện này, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương. 8 hoạt động diễn ra trong suốt chuỗi sự kiện đã được các đơn vị liên quan chuẩn bị chu đáo theo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra như: Công tác tuyên truyền, xây dựng kịch bản truyền hình trực tiếp; website riêng cho sự kiện; lắp đặt các pano, băng zon; thiết kế sân khấu, khu gian hàng trưng bày; xây dựng nội dung cho các diễn đàn hợp tác, hội thảo; chuẩn bị khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghệ; các vấn đề liên quan đến an ninh, phòng cháy chữa cháy, môi trường, giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm…Dự kiến Lễ khai mạc có hơn 1.000 người đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh đất và người Thái Nguyên đến với các tỉnh, thành phố, bạn bè trong nước và quốc tế.