Tại Hội thảo “Phát triển, ứng dụng công nghệ nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp khu vực Trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh hội nhập quốc tế” được tổ chức chiều 10-11 có nhiều ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý nhằm tìm ra các hướng đi hiệu quả cho việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, P.V Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến tại Hội thảo.
Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN tái cơ cấu nông nghiệp
Ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc: Để nâng cao đời sống cho đồng bào vùng Tây Bắc, tôi cho rằng, cần phải đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong tái cơ cấu nông nghiệp. Trọng tâm là nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với thị trường và bảo vệ môi trường, tạo bước đột phá trong thực hiện tái cơ cấu. Ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp KH&CN tiên tiến. Xây dựng các mô hình công nghệ cao theo tinh thần chuyển số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, nhân ra diện rộng. Phát triển các sản phẩm có lợi thế của vùng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh thị trường. Phát triển liên kết vùng trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân. Khuyến khích liên kết bốn nhà (nhà quản lý, nhà nông, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp), trong đó lấy doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.
Chuyển giao khoa học công nghệ theo chiều sâu
Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang: HTX của chúng tôi đóng trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), là nơi có diện tích vải thiều trồng tập trung lớn nhất toàn quốc. Vải Lục Ngạn đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, trong đó thị trường mới mở có: Mỹ, Úc, Nhật, Pháp. Tuy nhiên khó khăn nhất đối với vải thiều Lục Ngạn là bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ. Tôi cho rằng về chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ trong sản xuất hiện nay do Nhà nước hỗ trợ là chủ yếu. Hiện nay cả huyện Lục Ngạn chỉ có duy nhất HTX của chúng tôi có được dây chuyền sơ chế, bao gói như nêu trên nên hiệu quả chưa được khẳng định. Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, theo tôi cần tập trung chuyển giao KH&CN theo chiều sâu để sản phẩm được tốt. Về tiêu thụ phải có cơ quan Nhà nước đứng ra tổ chức và làm trọng tài trong điều hành chuỗi tiêu thụ, quy định cụ thể công việc và mức hưởng thụ cho từng thành viên trong chuỗi.
Doanh nghiệp liên kết, quốc gia phát triển
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công, nông nghiệp Tiến Nông: Nếu hỏi chúng tôi tự đánh giá vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản như thế nào, thì xin thưa: doanh nghiệp là động lực chính để hình thành và phát triển chuỗi này. Trong định hướng phát triển chuỗi giá trị nông sản trong nước, các doanh nghiệp nông nghiệp mong muốn tiếp tục được đón nhận những chính sách trọng tâm, khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở nông thôn, sử dụng tư liệu sản xuất, nguồn nhân lực và các nguồn lực khác tại chỗ, kết hợp với công nghệ hiện đại để phát triển sản xuất nông sản theo hướng quy mô lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và bền vững. Khuyến khích liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời có chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản, tổ chức xúc tiến thương mại ra thị trường quốc tế bằng các gian hàng quốc gia chuyên nghiệp và sự hỗ trợ tận tâm.
Tăng cường đầu tư hoạt động kết nối cung cầu
TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp sau thu hoạch: Để thúc đẩy, chuyển giao công nghệ mới trong chế biến sản phẩm nông nghiệp, theo tôi Bộ KH&CN và Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong bảo quản và chế biến nông lâm, thủy sản chủ lực, làm cơ sở để đề xuất cơ chế chính sách và giải pháp đầu tư đổi mới công nghệ phù hợp với từng đối tượng ngành hàng và vùng kinh tế. Cần có cơ chế chính sách thúc đẩy đầu tư và đổi mới công nghệ trong bảo quản và chế biến nông lâm, thủy sản chủ lực, mà đối tượng chính là các doanh nghiệp có đề án tổ chức liên kết theo chuổi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tùy theo quy mô và đặc thù của mỗi vùng kinh tế và địa phương.Tăng cường đầu tư cho các hoạt động kết nối cung - cầu về sản phẩm KH&CN mới; tạo cơ chế hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu và trường đại học đến với doanh nghiệp…
Liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà
TS. Đỗ Thị Ngọc Oanh, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên: Theo tôi, giải pháp về công nghệ trong phát triển chuỗi bền vững trong nông nghiệp là phải tăng và ổn định năng suất, chất lượng bằng các loại giống mới. Đồng thời phải cải tiến kỹ thuật nuôi trồng nhằm giảm đầu vào. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường… Để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm thì phải đặc biệt quan tâm đến cải tiến công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát, ổn định chất lượng sản phẩm. Để giảm bớt cường độ lao động nặng nhọc và vất vả cho người lao động, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, nhất thiết cần xây dựng và cải tạo đường giao thông thuận tiện cho máy móc đi lại. Để làm được điều đó cần có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà quản lý, nhà nông, nhà nghiên cứu và nhà doanh nghiệp.