Các ý kiến tham luận tại Hội thảo khoa học Đánh giá hiện trạng và các cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, đã thể hiện sự tâm huyết của các đại biểu về đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thái Nguyên điện tử xin lược ghi những kiến tham luận đó.
Chính sách đào tạo nguồn nhân lực chưa đủ mạnh
TS Nguyễn Văn Vượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao là khâu hết sức quan trọng trong tiến trình cách mạng. Vấn đề ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội luôn được đặt ra, bởi khi Đảng, Nhà nước có chủ trương, đường lối đúng, người thực thi chính là đội ngũ cán bộ.
Hiện nay chúng ta vẫn tồn tại một số điểm yếu trong phát triển nguồn nhân lực. Có thể kể đến như: Chính sách đào tạo nguồn nhân lực chưa đủ mạnh, chưa đủ sức hấp dẫn; chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế, nhiều người ra trường, giao việc không làm được, buộc phải đào tạo lại; một số chương trình đề ra nhưng không thực hiện theo đúng phê duyệt (ví dụ như chương trình cử tuyển, sau đào tạo, học sinh, sinh viên lại không chịu về phục vụ tại địa phương...); có khi đào tạo lại chưa gắn với sử dụng nên gây lãng phí; cơ sở vật chất, thiết bị tại một số cơ sở đào tạo còn thiếu và quá lạc hậu...
Bởi vậy, chúng ta cần nghiên cứu để đào tạo cán bộ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, thiết thực phục vụ cho sự nghiệp chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như địa phương. Đào tạo cần gắn chặt với sử dụng; quan tâm khai thác có hiệu quả các cơ sở vật chất hiện có; có cơ chế chính sách khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...
Cần có đánh giá khách quan
PGS, TS Nguyễn Duy Lương, nguyên Giám đốc Đại học Thái Nguyên: Để đảm bảo tính khách quan và có độ tin cậy cao trong việc đánh giá hiện trạng các cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, cần phải làm rõ một số vấn đề liên quan. Ví dụ như: Tiềm năng và thế mạnh của tỉnh? Vấn đề thu hút đầu tư, hiệu quả của các khu, cụm công nghiệp trong những năm tới? Vấn đề làng nghề và làng nghề truyền thống? Vấn đề tỷ lệ lao động qua đào tạo? Chất lượng nguồn nhân lực? Tỉnh ta còn bao nhiêu hộ nghèo, lý do nghèo là gì? Hướng giải quyết? Vấn đề già hóa dân số?...
Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể đưa ra những giải pháp khả thi để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thời kỳ cách mạng mới. Chúng ta cần nghiên cứu, đưa ra những cơ chế chính sách phù hợp, phát huy trí tuệ và sức mạnh của tất cả các lực lượng xã hội đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước, địa phương. Từ đó, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế chung tay, góp sức xây dựng xã hội phát triển, nâng cao đời sống của người lao động.
Cần bám sát định hướng của Đảng
TS Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Những năm qua, đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt, tăng cường về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng.
Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn một số hạn chế còn tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; trình độ chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng làm việc của đại bộ phận nhân lực của tỉnh còn thấp; mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực nhìn chung còn yếu kém, lạc hậu...
Vì vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian tới, chúng ta cần bám sát định hướng của Đảng, tập trung thực hiện một số giải pháp như: Đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp; tổ chức triển khai thực hiện tốt chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020; tạo việc làm tăng thêm, phát triển thị trường lao động; các đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đổi mới tư duy để thu hút các nhà đầu tư, nhân tài nhằm liên kết, liên doanh đào tạo; kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo chung về dạy nghề, việc làm, giáo dục, y tế, tín dụng với các chính sách giảm nghèo đặc thù; gắn việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.
Quan tâm phát triển nhân lực vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh
Th.s Phạm Thị Thu Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy: Hiện nay, công tác phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn tồn tại một số vấn đề cần tập trung khắc phục như: cơ sở vật chật của hệ thống trường học chưa đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục; việc phát triển nguồn nhân lực chưa gắn liền với quy hoạch phát triển của từng vùng và từng dân tộc; chất lượng cán bộ sau khi được đào tạo chưa cao do hạn chế về tiếp thu kiến thức trong chương trình phổ thông; một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng cán bộ dân tộc. Nguyên nhân cơ bản là do cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực này chuyển dịch chậm.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, cần thực hiện các biện pháp đồng bộ và hiệu quả phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội để có thể đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững.
Chú trọng xây dựng mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực
Th.s Nguyễn Mạnh Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Giai đoạn 2010-2015, mạng lưới trường, lớp các cấp học phổ thông tiếp tục được củng cố và phát triển, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh; mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề tiếp tục được mở rộng, cơ cấu ngành nghề cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục phát triển giữ vững vai trò Thái Nguyên là một trong ba trung tâm đào tạo nhân lực có chất lượng cao của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nguồn tài chính và khả năng đầu tư cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ giáo viên, giảng viên trong các cơ sở đào tạo nhân lực chưa đồng bộ, mất cân đối về cơ cấu ngành nghề. Để phát triển mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh cần quan tâm đến các giải pháp về quản lý nhà nước; đầu tư và xã hội hóa; các điều kiện đảm bảo chất lượng; chủ động hội nhập quốc tế...