Đưa thương mại điện tử vào ứng dụng phổ biến

10:17, 02/12/2016

Sau một thời gian tích cực triển khai, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ trước đây, vấn đề TMĐT và ứng dụng TMĐT còn bỡ ngỡ với nhiều người, đến nay nội dung này đã bắt đầu được phổ biến rộng rãi hơn.

Theo thống kê của cơ quan quản lý TMĐT trên địa bàn, đến nay, 100% các đơn vị, cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đã có mạng LAN, kết nối mạng Internet và mạng truyền số liệu (TSL) của tỉnh. Đối với cộng đồng các doanh nghiệp (DN) cũng đã có khoảng 1/3 trong tổng số hơn 4.000 DN trên địa bàn tỉnh có website hoạt động, 95% các DN có mạng LAN và kết nối Internet. Đáng chú ý, toàn tỉnh hiện có hơn 1.360 trang thông tin điện tử (TTĐT) hoạt động, góp phần cung cấp dịch vụ trực tuyến cho nhân dân.

 

Tỉnh ta đang có điều kiện rất thuận lợi để phát triển TMĐT khi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và điện tử trên địa bàn phát triển khá mạnh. Từ năm 2014, giá trị sản xuất các sản phẩm liên quan đến CNTT và điện tử của tỉnh có sự gia tăng đột biến sau khi Tập đoàn Samsung đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên). Trong 2 năm tiếp theo, năm nào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng mang lại cho tỉnh giá trị sản xuất hàng chục tỷ USD. Do có những thuận lợi đó nên việc triển khai hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh những năm qua có điều kiện khởi sắc hơn. Cùng với đó, chúng ta đang sở hữu nguồn nhân lực chuyên ngành về CNTT và truyền thông khá dồi dào do có hệ thống đào tạo tốt. Hiện tại, toàn tỉnh có gần 50 người có trình độ tiến sĩ, khoảng 600 người là thạc sĩ, trên 1.000 kỹ sư, cử nhân và khoảng 1.500 người có trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp liên quan đến chuyên ngành CNTT và truyền thông. Theo kết quả đánh giá chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT, truyền thông của cả nước 5 năm gần đây cho thấy, Thái Nguyên luôn xếp ở tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số ứng dụng cao. Tỉnh ta cũng luôn đứng trong tốp 20 tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số TMĐT phát triển…

 

Tuy đã đạt kết quả tương đối khả quan nhưng do triển khai chưa lâu nên hoạt động TMĐT của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Nguồn nhân lực dành cho TMĐT tại các DN còn hạn chế. Hầu hết các DN chưa có người chuyên trách về CNTT và TMĐT, chủ yếu là kiêm nhiệm. Mặt khác, việc triển khai ứng dụng TMĐT của các DN mới ở giai đoạn đầu nên hiệu quả chưa cao, chưa theo kịp và tương xứng với yêu cầu phát triển chung của tỉnh. Mặc dù các DN đã sử dụng nhiều giải pháp trong hệ thống thanh toán, quản lý DN và các dịch vụ trong TMĐT, nhưng nhìn chung việc triển khai ứng dụng CNTT và TMĐT còn thấp. Hiện nay, nhiều DN đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá mua, giá bán, phương thức thanh toán. An toàn bảo mật thông tin khi kinh doanh trên môi trường mạng cũng là một vấn đề gây trở ngại lớn đối với DN. Nhiều DN còn chưa tự chủ động tìm ra những giải pháp an ninh cho toàn mạng nói chung hay TMĐT nói riêng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, DN và bộ phận thanh niên khởi nghiệp trong ứng dụng CNTT và TMĐT mặc dù thường xuyên, nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của tình hình mới.

 

Trước thực tế đó, Sở Công Thương - đơn vị được giao chủ trì xây dựng và phát triển TMĐT của tỉnh - đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT với mục tiêu, giải pháp, lộ trình cụ thể. Trong đó, khẳng định mục tiêu đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý Nhà nước và đại bộ phận các DN trong tỉnh là quan trọng nhất. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh xác định trang TTĐT các cấp của tỉnh sẽ cung cấp 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3; 100% các giao dịch giữa cơ quan hành chính Nhà nước với DN và công dân được thực hiện trực tuyến qua cổng TTĐT của tỉnh và qua bộ phận một cửa điện tử. 80% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại, cơ sở cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền thông sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử. Tỉnh cũng đặt mục tiêu sẽ áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch TMĐT đối với các DN trên địa bàn. Có 80% DN nắm bắt được các chính sách và ưu đãi về TMĐT; 100% nhân dân trong tỉnh biết đến các hàng hóa Việt Nam được sản xuất trong tỉnh thông qua trang TTĐT của ngành Công Thương. Mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng; ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán TMĐT giữa DN với DN, giữa DN với khách hàng, giữa DN với cơ quan Nhà nước, giữa các cá nhân với nhau và giữa cơ quan Nhà nước với cá nhân. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu 60% DN tham gia Sàn giao dịch TMĐT; 60% DN có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm; 500 lượt cán bộ quản lý Nhà nước tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn về TMĐT; 1.000 thanh niên khởi nghiệp, sinh viên năm cuối cấp được đào tạo, tập huấn về chuyên ngành TMĐT…