Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo hướng “đặt hàng”

07:21, 16/01/2017

Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) gắn liền với sản xuất và đời sống, là một trong những mục tiêu mà Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) luôn coi trọng. Hoạt động này đang được thực hiện theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội thông qua hình thức đấu thầu các đề tài, dự án khoa học bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Thành quả nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học sâu rộng, đa dạng các cấp đề tài của Đại học Thái Nguyên là 3 sản phẩm nghiên cứu được cấp bằng sáng chế, 60 công trình được tặng giải thưởng khoa học, trong đó có 2 giải Kovalevskaia và 3 giải Nhất “Tài năng khoa học trẻ toàn quốc”… Nhiều nghiên cứu hướng đến cuộc sống của đồng bào miền núi và dân tộc thiểu số cũng được Đại học Thái Nguyên phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh trung du - miền núi phía Bắc thực hiện. Trong giai đoạn 2011-2015 và chuyển tiếp 2016-2017, Đại học Thái Nguyên đã và đang triển khai thực hiện 25 nhiệm vụ cấp Nhà nước thuộc các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, công nghệ sinh học... Với kinh phí gần 45 tỷ đồng. Hầu hết các đề tài nghiên cứu đều triển khai thực hiện đúng tiến độ, các nội dung nghiên cứu bám sát với mục tiêu đề ra. Thuyết minh, các sản phẩm tạo ra đều đáp ứng được tính ứng dụng, tính khoa học, góp phần giải quyết được những khó khăn trong hệ thống nông nghiệp, các vấn đề mới trong lĩnh vực y học… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật nhất là những đề tài khoa học nghiên cứu theo “đơn đặt hàng”, như: Đánh giá những thành tựu đạt được về kinh tế xã hội của đất nước qua 30 năm đổi mới do Ban Kinh tế Trung ương Đảng giao nhiệm vụ, ĐHTN cũng đã thực hiện nhiệm vụ đánh giá công tác y tế và các vấn đề xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương đặt hàng nhiệm vụ. Cùng với việc thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ chính trị, ĐHTN đã chủ trì thực hiện trên 100 nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao KH&CN cấp Bộ, gồm các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu cho các phòng thí nghiệm... trị giá trên 55 tỷ đồng, bước đầu được các nhà khoa học đánh giá cao, các địa phương nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn.

 

Song song với việc thực hiện triển khai các đề tài KH&CN từ cấp Nhà nước, cấp bộ, từ năm 2011 đến nay, ĐHTN đã rất quan tâm và tăng cường mối quan hệ với các địa phương, tiếp cận các chương trình chuyển giao KH&CN. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian gần 6 năm qua, ĐHTN đã ký kết gần 100 hợp đồng chuyển giao công nghệ với các địa phương. Hiện nay, ĐHTN đã và đang triển khai thực hiện 94 chương trình chuyển giao tại các địa phương. Hàng năm, ĐHTN triển khai trung bình 20-30 đề tài, dự án chuyển giao với các địa phương cho kinh phí trung bình hàng năm là 30 tỷ đồng. Đặc biệt, địa bàn triển khai các đề tài, dự án này không chỉ dừng lại ở các tỉnh miền núi phía Bắc mà còn tiến hành ở cả các tỉnh đồng bằng và miền Trung, Tây Nguyên. Thành công từ thực tế hoạt động nghiên cứu gắn liền với ứng dụng và đáp ứng nhu cầu xã hội đã thu hút ngày càng đông đảo lực lượng sinh viên tham gia tích cực cho hoạt động KH&CN và chuyển giao. Nếu như năm 2011 mới chỉ có trên 400 sinh viên tham gia, thì đến năm 2016 đã có gần 1.000 sinh viên tham gia. Đặc biệt, chất lượng các đề tài nghiên cứu KH&CN mang tính thực tế ứng dụng cao, nên số lượng đã được đăng tải rộng rãi trên nhiều tạp chí KH&CN nổi tiếng trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế củ ĐHTN trong xu thế hội nhập quốc tế.

 

Với chiến lược phấn đấu trở thành đại học vùng đa ngành, đa lĩnh vực và chủ động hội nhập quốc tế, ĐHTN đã và đang kết nối các sản phẩm KH&CN mang tính tích hợp cao, gắn kết các ngành nghề vào sản phẩm trước khi chuyển giao. Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, cơ chế, môi trường nghiên cứu… Song với kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, có thể thấy hoạt động KH&CN của ĐHTN đã hướng đến hai đích là góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học vào thực tiễn cuộc sống.