Thời gian qua, Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo nhân rộng kết quả ứng dụng KH&CN, trang bị các kiến thức quản lý, tăng cường nguồn lực và đẩy mạnh các hoạt động KH&CN cho cơ sở. Đây là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, nhằm thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tích cực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Theo đánh giá của đồng chí Trần Thị Minh, Trưởng phòng Quản lý cơ sở, Sở KH &CN: Đối với các địa phương, Phòng Kinh tế và Hạ tầng là đơn vị có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo địa phương đẩy mạnh các hoạt động về lĩnh vực KH&CN ở cơ sở. Thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ được giao, Phòng Kinh tế - Hạ tầng các địa phương đã phối hợp nhịp nhàng với các phòng chuyên môn của Sở, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện hiệu quả các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực KH&CN. Chỉ tính riêng năm 2016, nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh triển khai trên địa bàn 9 huyện, thành phố, thị xã đã lên tới 73 đề tài, dự án. Các đề tài dự án chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn góp phần làm thay đổi năng suất và chất lượng các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Tại các địa phương, từ các nguồn kinh phí dành cho sự nghiệp KH&CN cũng đã triển khai được 78 mô hình dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương như: sản xuất lúa giống nguyên chủng; trồng chè giống mới, hình thành vùng nguyên liệu chế biến chè; xây dựng vùng cây ăn quả; cải tạo phát triển chăn nuôi trâu, bò, trồng rau an toàn... Theo đánh giá của Sở KH&CN, đây có thể coi là những mô hình điểm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên toàn tỉnh.
Bên cạnh việc ứng dụng KH&CN trong sản xuất lúa, cây màu, Thái Nguyên còn xây dựng những mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phúc Thuận (Phổ Yên); mô hình sản xuất, chế biến chè xanh theo hướng an toàn tại vùng chè Trại Cài, xã Minh Lập (Đồng Hỷ); xây dựng vườn chè giống đầu dòng quy mô gia đình tại T.X Phổ Yên với các giống chè chủ lực là LDP1 và Phúc Vân Tiên. Mô hình trồng rau an toàn, hoa - cây cảnh, cây ăn quả... cũng mang lại hiệu quả cho nông dân.
Bên cạnh việc tích cực ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống, hoạt động sở hữu trí tuệ, bước đầu được địa phương quan tâm đúng mức, nhằm tôn vinh, quảng bá, nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản của địa phương. Trong những năm qua, UBND các huyện, thành, thị đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với phòng chuyên ngành của Sở KH&CN triển khai xây dựng và được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho một số các sản phẩm của địa phương như: chè, gạo, đỗ tương, nấm, hoa Đào Cam Giá; nhãn hiệu chứng nhận: Gà đồi Phú Bình, Miến Việt Cường (Hóa Thượng)… Năm 2016, Sở KH&CN phối hợp với UBND huyện Đồng Hỷ tiến hành đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển của hoạt động trồng, kinh doanh sản phẩm quả ổi trên địa bàn xã Linh Sơn, từ đó tiến hành các thủ tục để xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Ổi Linh Sơn”. Nhãn hiệu tập thể “Ổi Linh Sơn” được bảo hộ đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp đối với sản phẩn mang nhãn hiệu “Ổi Linh Sơn”, tạo sự tin tưởng về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm đối với người tiêu dùng; mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm. Mới đây nhất, Sở KH&CN đã phối hợp với UBND huyện Võ Nhai, xã La Hiên để triển khai nhiệm vụ xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Na La Hiên”. Hiện, xã La Hiên đang tập trung xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với diện tích trên 200ha. Ngoài việc duy trì hơn 190 ha cây ăn quả sẵn có (chủ yếu là cây na và cây nhãn), số diện tích trồng cây lương thực cho năng suất thấp xã khuyến khích bà con chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như na, nhãn có giá trị kinh tế cao. Dự kiến mỗi năm xã chuyển đổi khoảng 10 ha đất. Nhãn hiệu tập thể “Na La Hiên” được bảo hộ sẽ nâng cao giá trị và khả năng canh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thu, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp. Để KH&CN thực sự trở thành động lực thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Hiện nay, Sở KH&CN tiếp tục tập trung đặt hàng các nhà khoa học, các viện nghiên cứu để chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho các vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực phát huy thế mạnh của địa phương, coi đây là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Tiếp tục phối hợp tốt với các địa phương quy hoạch xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao, xác định sản phẩm chủ lực của địa phương để sản xuất hàng hóa gắn với bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, phục vụ cho thị trường tiêu thụ, hướng tới các mặt hàng nông sản sạch, an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.