Gần 20 tỉnh, thành xây dựng thí điểm đô thị thông minh

10:09, 13/04/2017

Hiện nay ở Việt Nam có gần 20 tỉnh, thành phố đã tổ chức hội thảo và ký thoả thuận hợp tác (MOU) với các doanh nghiệp viễn thông – công nghệ thông tin (CNTT) để xây dựng các dự án thí điểm về phát triển đô thị thông minh. Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo "Xây dựng đô thị thông minh và ứng dụng IoT" tổ chức tại Hà Nội ngày 12/4.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), về bản chất thành phố thông minh là thành phố ứng dụng CNTT&TT để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, quản lý đô thị tốt hơn, hiệu quả hơn, đồng thời cũng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người dân về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường…

 

Những lợi ích từ việc triển khai xây dựng đô thị thông minh đã được đại diện Cục Tin học hóa dẫn chứng bằng những trường hợp ứng dụng thành phố thông minh đã và đang được các thành phố trên thế giới triển khai. Chẳng hạn như, hệ thống quản lý nước thông minh được triển khai tại Trung Quốc, Brazil và Quatar đã giúp giảm 40-50% tỷ lệ rò rỉ nước. Hệ thống quản lý rác thải thông minh tại thành phố Cincinnati, Mỹ giúp giảm khoảng 17% tỷ lệ phát xạ ô nhiễm từ rác thải. Hệ thống giao thông thông minh đang áp dụng trên các tuyến cao tốc ở Anh giúp giảm tới 30% thời gian đi lại và góp phần giảm 50% các vụ tai nạn giao thông...

 

"Xây dựng đô thị thông minh là một vấn đề mới nên để ra được định hướng chính thức cần có thời gian nghiên cứu, lấy được ý kiến đồng thuận chung của các cơ quan, ban, ngành, người dân và doanh nghiệp", ông Phúc nói.

 

Về hiện trạng xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam, ông Phúc cho biết, do nhu cầu bức thiết về giải quyết các vấn đề lớn trong quản lý đô thị như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường…, một số địa phương đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các đề án quy hoạch phát triển đô thị thông minh. Điển hình như T.P Hồ Chí Minh từ tháng 9/2016 đã có quyết định thành lập Ban Điều hành thực hiện Đề án “Xây dựng T.P Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”; T.P Đà Nẵng từ tháng 3/2014, với sự hỗ trợ, tư vấn của IBM, đã có quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng thành phố thông minh hơn tại Đà Nẵng.

 

Trong quá trình đó, các công ty viễn thông, CNTT đóng vai trò khá tích cực và quan trọng để giới thiệu các giải pháp xây dựng đô thị thông minh cho chính quyền. Thời gian qua, ước tính có gần 20 tỉnh, thành phố đã tổ chức hội thảo và ký thoả thuận hợp tác (MOU) với các doanh nghiệp viễn thông-CNTT trong và ngoài nước để xây dựng các dự án thí điểm về phát triển đô thị thông minh.

 

Được biết một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng gửi văn bản đến Bộ TT&TT xin ý kiến về các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT vào công tác quản lý đô thị, từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân, phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý đô thị bằng cách giải quyết các vấn đề tồn tại của đô thị; phát triển hạ tầng CNTT, cung cấp các dịch vụ cơ điện tử để hướng đến cung cấp các dịch vụ thông minh liên quan đến một số lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục, môi trường...

 

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy quá trình triển khai, xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Trước mắt, Bộ sẽ đưa ra mô hình tham chiếu về các dịch vụ đô thị thông minh để các địa phương có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp, đáp ứng được nhu cầu và giải quyết được các vấn đề bức thiết của địa phương.

 

Ngoài việc ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh để các địa phương có thể đặt ra mục tiêu, biết địa phương mình đang ở mức độ nào về thành phố thông minh và đánh giá kết quả sau mỗi một năm thực hiện, Bộ TT&TT cũng sẽ tập trung xây dựng các tiêu chuẩn về thành phố thông minh, nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn, bảo mật thành phố thông minh.