Đổi mới cơ chế, chính sách, tạo bước phát triển mạnh mẽ về khoa học & công nghệ

10:34, 17/05/2017

Ngày khoa học & công nghệ (KH&CN) Việt Nam năm 2017 có chủ đề “Khoa học - Chìa khóa của tương lai”, phóng viên  Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN về những thành tựu nổi bật và định hướng lớn để KH&CN thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển.

P.V: Theo ông, hoạt động KH&CN trong thời gian qua có đóng góp nổi bật gì cho tỉnh trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế?

 

Tiến sĩ Phạm Quốc Chính: Có thể nói trong thời gian qua, hoạt động KH&CN đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh C hội tỉnh. Trong giai đoạn 2010-2015, Hội đồng chính sách KH&CN của tỉnh đã phê duyệt triển khai thực hiện 187 đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Riêng năm 2016, Sở KH&CN đã tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện 38 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh; 8 nhiệm vụ KH&CN về bảo tồn nguồn gen. Cụ thể, trong lĩnh vực xã hội nhân văn đã cung cấp nhiều luận cứ để tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tất cả các lĩnh vực.

 

Trong nông nghiệp, đã đưa nhiều giống cây, con, quy trình canh tác kỹ thuật mới vào áp dụng giúp cho bà con nông dân nâng cao được năng suất trên một đơn vị diện tích, đồng thời nâng cao thu nhập của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trong lĩnh vực y tế, có nhiều kỹ thuật mới, thiết bị mới được áp dụng để điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Ở lĩnh vực giáo dục, có nhiều phương pháp, tài liệu mới được áp dụng cho học sinh và đạt hiệu quả cao. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đã tăng cường hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ để đảm bảo nâng cao giá trị cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm đặc sản thế mạnh của địa phương. Như vậy, có thể nói rằng, bằng những nỗ lực của toàn ngành, chúng tôi đã tạo ra nhiều sản phẩm KH&CN và từ đó, đã đóng góp tích cực, tháo gỡ được những nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

 

P.V: Thời gian qua Sở KH&CN đã tích cực tham mưu cho tỉnh trong việc đổi mới cơ chế, chính sách quản lý KH&CN, vậy ông có thể nói rõ cho độc giả biết?


Tiến sĩ.Phạm Quốc Chính: Ngay sau khi Luật KH&CN năm 2013 có hiệu lực,  Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một loạt những cơ chế, chính sách để nhằm tháo gỡ những nút thắt trong lĩnh vực phát triển KH&CN. Trước tiên, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành Quy hoạch phát triển KH&CN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong những đổi mới rất sáng tạo và quyết liệt của tỉnh để ứng dụng kết quả KH&CN vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 

Đổi mới cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN (các đề tài, dự án…), chuyển từ cơ chế “xét chọn” tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN sang cơ chế “đặt hàng”, “đấu thầu”. Quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc xác định nhiệm vụ KH&CN. Công khai hóa danh mục các nhiệm vụ KH&CN để tránh tình trạng trùng lặp nhiệm vụ KH&CN giữa các ngành, các cấp, các địa phương. Xây dựng tiêu chuẩn lựa chọn chuyên gia tham gia các hội đồng tư vấn để xác định, tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đánh giá kết quả nghiên cứu. Đặc biệt là vừa qua Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ký kết hợp tác với Đại học Thái Nguyên để khai thác chất xám của các nhà khoa học đóng góp những trí tuệ, tài năng của mình vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đại học Thái Nguyên đã đề xuất và chọn ra được một số ý tưởng trong các lĩnh vực như: tiết kiệm năng lượng điện; quản lý và xây dựng phần mềm sử dụng nguồn dữ liệu cho phát triển kinh tế cũng như công tác quản lý; khai thác các tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tính đa dạng các đồng bào dân tộc và các tiềm năng khác phát triển ngành du lịch của tỉnh.

 

P.V: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX có đề ra nhiệm vụ “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN; từng bước hình thành và phát triển thị trường khoa học, công nghệ… vậy ngành KH&CN đã đề ra những giải pháp trọng tâm gì nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao thưa ông?

 

Tiến sĩ Phạm Quốc Chính: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng của tỉnh lần thứ XIX đề ra, chúng tôi tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ tất cả các cơ chế chính sách về phát triển KH&CN, trong đó đặc biệt là khoán chi đến sản phẩm cuối cùng rồi đặt hàng đối với các nhà khoa học để KH&CN bám sát được thực tiễn và giải quyết những vấn đề bức xúc của thực tiễn. Mặt khác, Sở KH&CN tiếp tục trình HĐND tỉnh để ban hành Đề án hỗ trợ phát triển thị trường và doanh nghiệp công nghệ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực thúc đẩy thị trường KH&CN. Đặc biệt là phối hợp cùng các doanh nghiệp KH&CN để đóng góp các sản phẩm nghiên cứu khoa học đưa vào thực tiễn thông qua các hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời tích cực hợp tác với các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, đặc biệt là bám sát vào chương trình hợp tác của tỉnh với Đại học Thái Nguyên để làm sao đáp ứng được mục tiêu đã đề ra, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tiếp cận, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới tiên tiến, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, đóng góp vào sự phát triển bền vững cho tỉnh. Đồng thời, Sở KH&CN tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vai trò của KH&CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế